Từ xưa đến nay, trong dân gian, người ta đã thần thánh hóa nghệ thuật chỉ huy của Gia Cát Lượng, coi đó là hiện thân của trí tuệ. Cuộc đời chinh chiến mang đầy tính huyền thoại của ông đã cho thấy ông đúng là một nhà quân sự lỗi lạc. Không ít các nhà quân sự nổi tiếng sau này đã thành công khi vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật quân sự của ông. Ông là người đã kế thừa và phát triển được binh pháp cổ dại và xây dựng thành một hệ thống quân sự khá độc đáo.
Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh sinh năm 181 ở huyện Đô, quận Lang Nha (nay là huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Vì bố mẹ mất sớm, nên từ nhỏ Gia Cát Lượng đã đi theo người chú làm quan là Gia Cát Huyền sinh sống ở Dự Dương (nay là Nam Xương, Giang Tây) và Kinh Châu. Năm 197, Gia Cát Huyền chết. Lúc đó, Gia Cát Lượng bước sang tuổi 17, bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập, ông dựng mấy ngôi nhà tranh ở Long Chung, huyện Đặng, quận Nam Dương (nay là chỗ cách thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc khoảng 20 dặm) và sống ẩn dật ở đó 10 năm, tự cày ruộng để sinh sống, người ta kính trọng gọi ông là ''Ngọa Long tiên sinh''.
Mùa đông năm 207, nhờ Từ Thứ và Tư Mã Huy tiến cử Lưu Bị ở tuổi 47 lặn lội qua gió rét tìm đến tận Long Trung để gặp Gia Cát Lượng.
Hai lần đầu đến đều không gặp, lần thứ ba Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng. Tận mắt thấy Lưu Bị là một người trọng hiền đãi sĩ, lại hết mức chân thành, ông đã đồng ý giúp Lưu Bị khôi phục lại nhà Hán.
Đầu tiên, Gia Cát Lượng phân tích cặn kẽ tình hình chính trị, kinh tế, quân sự, địa lý, con người... trong nước lúc đó, rồi phác thảo ra chiến lược phục hưng cơ nghiệp nhà Hán. Đoạn nói chuyện, được sử sách ghi chép lại dưới tựa đề nổi tiếng là ''Cuộc đối thoại ở Long Trung'', Gia Cát Lượng chỉ ra rằng: nếu như chiếm được Kinh Châu và Ích Châu, dựa vào thế hiểm yếu để cố thủ, đồng thời xây dựng mối quan hệ hữu hảo với các dân tộc thiểu số ở miền Tây; đối với các dân tộc thiểu số ở miền Nam thì áp dụng chính sách động viên vỗ về. Về mặt đối ngoại thì liên kết đồng minh với Tôn Quyền; về đối nội thì thực hành cải cách chính trị, tích cực xây dựng lực lượng. Khi nào thời cơ cho phép, thì cử một viên đại tướng tài năng và mẫn cán đem quân Kinh Châu sang đánh lấy Uyển Thành (nay là Nam Dương, tỉnh Hà Nam) và Lạc Dương mưu đồ giành lấy Trung Nguyên, còn Lưu Bị thì tự minh đem quân ích Châu đánh lấy Tần Châu nay là vùng Thiểm Tây, Cam Túc) tiến lên chiếm Tràng An. Đến lúc đó, dân chúng ai cũng đem cơm trắng, rượu ngon để đón tiếp. Nếu thực hiện được việc đó thì việc lớn của Lưu Bị chắc sẽ thành công, cơ đồ nhà Hán sẽ được khôi phục.
Nhằm thực hiện kế hoạch to lớn đó, xuất phát từ tình hình thực tế, Gia Cát Lượng còn phân tích thêm về các thế lực cát cứ và so sánh lực lượng giữa các thế lực đó cũng như quan hệ đối kháng với nhau, rồi đề nghị với Lưu Bị thực hiện ba bướu trong kế hoạch chiến lược. Một là, tiêu diệt các thế lực yếu kém như: Lưu Biểu, Lưu Trương để chiếm Kinh Châu, ích Châu xây dựng thành căn cứ địa, hình thành thế chân vạc với Tào Tháo, Tôn Quyền. Hai là, cải thiện mối quan hệ với các dân tộc thiểu số, tiến hành cải cách chính trị, ổn định nội bộ, tích trữ lực lượng, kết giao với Tôn Quyền để cô lập Tào Tháo, chờ đợi thời cơ. Ba là, nắm bắt thời cơ có lợi nhất, chia binh thành hai ngả, tiến lên phía Bắc đánh Ngụy, hoàn thành nhiệm vụ thống nhất. Kế hoạch chiến lược với tầm nhìn xa rộng cho thấy Gia Cát Lượng tuy tuổi còn trẻ nhưng đã có tầm nhìn của một nhà chiến lược lỗi lạc.
Ông đã giúp Lưu Bị phát triển quân đội, dùng kế lấy được Kinh Châu. Khi Tào Tháo đem đại quân Nam thành, Lưu Bị đã bị thua to ở dốc Trường Bản, Gia Cát Lượng tự mình đi sứ sang Đông Ngô để thuyết phục Tôn Quyền liên kết chống Tào và giành được thắng lợi vang dội ở trận Xích Bích. Ông hỗ trợ Lưu Bị mở rộng hầu hết địa bàn Kinh Châu, sau đó giành được Ích Châu, tạo thành thế cát cứ ba chiều hình chân vạc, bước đầu thực hiện được giai đoạn 1 của kế hoạch được nêu ra trong cuộc đối thoại ở Long Trung.
Sau khi Lưu Bị ốm chết, Gia Cát Lượng tiếp tục phò tá hậu chúa Lưu Thiền mới có 17 tuổi. Với chức danh thừa tướng ông gánh vác trọng trách trị vì Thục Hán, tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu thống nhất thiên hạ nhà Đại Hán.
Năm 223, Gia Cát Lượng bắt tay vào thực hiện bước 2 của kế hoạch chiến lược. Một mặt, ông cử Đặng Chi sang làm sứ giả ở Đông Ngô, khôi phục lại mối quan hệ đồng minh với Tôn Quyền. Đồng thời chấn chỉnh nền chính trị trong nước, ổn định nội bộ, dự trữ lương thực, chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc chiến Bắc phạt. Đúng lúc đó ở Nam Trung (nay thuộc huyện miền Nam Tứ Xuyên, miền Đông Vân Nam và miền Tây Bắc Quý Châu) xảy ra cuộc phản loạn vũ trang ở quận ích Châu (nay thuộc Tấn Ninh, Vân Nam) của bọn địa chủ do Ung Khải cầm đầu, họ đã giết chết quan Thái thú do Thục Hán bổ nhiệm. Tiếp đó, lại nổ ra hai cuộc nổi loạn khác để hưởng ứng, đó là cuộc khởi nghĩa của Chu Bảo ở Hoàng Bình - Quý Châu và Cao Định ở Tây Xương - Tứ Xuyên. Ung Khải sai Mạnh Hoạch tiến hành tuyên truyền xuyên tạc trong đồng bào thiểu số ở vùng Nam Trung. Do Mạnh Hoạch kích động nên phong trào chống đối ngày càng mạnh mẽ, đội ngũ ngày càng đông đảo chẳng bao lâu đã lan truyền khắp vùng Nam Trung .
Sau khi xảy ra phản loạn, đầu tiên Gia Cát Lượng áp dụng chính sách an ủi vỗ về không thảo phạt, tức là giải quyết bằng phương thức hòa bình. Tuy nhiên, Ung Khải lại cho rằng chính quyền Thục Hán nhu nhược, yếu đuối, có thể lấn tới được nên y càng quậy phá mạnh hơn. Vì vậy muốn ổn định hậu phương, nhằm thực hiện việc lớn là Bắc phạt, Gia Cát Lượng quyết tự mình đem quân xuống phía Nam.
Đầu năm 225, Gia Cát Lượng sai Mã Trung chỉ huy cánh quân phía Đông, đi từ Nghi Tân xuống phía Đông Nam để đánh Chu Bảo; cử Lý Khôi đang đóng quân tại Bình Dị nay là huyện Tất Tiết, tỉnh Quý Châu) đem binh mã dưới quyền làm cánh quân trung lộ đánh vào quận ích Châu, nhằm bao vây bọn Ung Khải. Còn Gia Cát Lượng đích thân dẫn quân chủ lực đi theo hướng Tây, trước hết đánh Cao Định, sau đó sẽ hợp với hai cánh quân và tập trung đánh Ung Khải, dập tắt cuộc bạo loạn. Cánh quân phía Tây dưới sự chỉ huy của Gia Cát Lượng xuất phát từ An Thượng (nay thuộc Bình Sơn - Tứ Xuyên) tiến vào vùng nổi loạn. Cao Định đã cho quân đào hào đắp luỹ phòng thủ tại Hán Nguyên, Diêm, Nguyên, Chiêu Giác... Gia Cát Lượng cố ý chần chừ không tiến quân. Khi Cao Định tập trung quân từ các nơi về một chỗ, Gia Cát Lượng mới đánh một trận quyết định, tiêu diệt hết quân phản loạn, giết chết Cao Định. Trong lúc đó, cánh quân phía Đông của Mã Trung cũng đánh bại Chu Bảo, giải quyết cơ bản cuộc bạo loạn ở hai phía Đông và Tây. Gia Cát Lượng chỉ huy cả ba cánh quân thừa thắng truy kích, thọc thẳng vào hang phản loạn của Ung Khải ở Ích Châu.
Tháng 5, đạo quân của Gia Cát Lượng hành quân qua vùng rừng núi hiểm trở, vượt qua sông Kim Sa, đến gần được quận Ích Châu. Lúc đó Ung Khải đã bị thuộc hạ của Cao Định giết chết. Mạnh Hoạch thế chân Ung Khải làm thủ lĩnh quân phản loạn. Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung, vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán, với mục đích tạo được sự ổn định lâu dài và chắc chắn cho vùng Nam Trung, nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người của Mạnh Hoạch, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Gia Cát Lượng hạ lệnh đánh nhau với Mạnh Hoạch, quân Thục chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm bị thương.
Trận đầu giao tranh, quả nhiên Mạnh Hoạch bị bắt sống, Gia Cát Lượng không giết, không làm nhục mà còn khoản đãi, nhằm làm cho Mạnh Hoạch chịu hàng phục.
Gia Cát Lượng tha cho Mạnh Hoạch về. Mạnh Hoạch tập hợp lực lượng giao tranh lần nữa, nhưng vẫn thua và bị quân Thục bắt sống. Lần này, Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu phục. Gia Cát Lượng lại thả ông ta ra, cứ như vậy lặp đi lặp lại đến 7 lần. Cuối cùng, Mạnh Hoạch nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là con người mưu lược phi thường, và trong thâm tâm không có ý định thù địch với mình nên đã chịu phục. Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng.
Sau khi ổn định được khu vực Tây Nam, Gia Cát Lượng bắt đầu suy tính đến kế hoạch Bắc phạt Tào Nguy, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước Trung Quốc, đó cũng là ý tướng ấp ủ từ lâu của Gia Cát Lượng. Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng thống lĩnh 10 vạn đại quân xuất phát từ Hán Trung đi về hướng Bắc để chinh phạt Nguỵ. Gia Cát Lượng quyết định xuất quân ở Kỳ Sơn, trận đầu đánh chiếm Lũng Hữu (nay thuộc Cam Túc), trận tiếp theo sẽ đánh chiếm Quan Trung, đánh chắc thắng chắc. Ông cho loan tin đại quân Gia Cát Lượng sắp sửa theo hướng hẻm Tà Cốc để đánh vào Mỹ Thành; cử Triệu Vân, Đặng Ngải đem một bộ phận binh lực đi chiếm Kỳ Cốc (nay thuộc địa bàn huyện Thái Bạch, tỉnh Thiểm Tây) và làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía Bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào, trong khi đó Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến theo đường Kỳ Sơn về hướng Tây Bắc.
Quân Tào ở nước Nguỵ không thể ngờ rằng Thục Hán nhỏ bé lại dám đánh Ngụy, nên ở phía Lũng Hữu không hề bố trí quân đội phòng ngự. Quân Thục qua nhiều năm được Gia Cát Lượng dày công huấn luyện đã trở thành một đạo quân hùng hậu dũng mãnh, hiệu lệnh rất nghiêm minh, xuất quân từ Kỳ Sơn, như thế chẻ tre, nhanh chóng chiếm được ba quận đường đất Lũng Hữu là Thiên Thuỷ, An Nam, An Định, dụ hàng được danh tướng Ngụy là Khương Duy, gây xôn xao cả một miền Quang Trung. Ngụy Minh Đế Tào Duệ nghe tin thất kinh, lập tức sai tướng Tào Chân đem quân đi chi viện cho My Thành, nhằm ngăn chặn Triệu Vân, lại sai tướng Trương Hợp dẫn 50.000 kỵ binh và bộ binh tiến nhanh đến Nhai Đình, vòng đằng sau đánh tập hậu vào quân Thục, hòng chiếm lại Lũng Hữu. Tào Duệ cũng tự mình đến Tràng An để chỉ huy tác chiến.
Gia Cát Lượng đang có ý đánh chiếm hai quận Quảng Ngụy và Lũng Tây để chiếm trọn cả vùng Lũng Hữu, bỗng nghe tin đại quân của Trương Hợp đang vòng đánh từ hướng Tây. Nhằm đảm bảo an toàn hai bên sườn, để phát triển cuộc tấn công, Gia Cát Lượng lập tức hạ lệnh cho tiên phong Mã Tốc đem tiền quân đánh gấp, lấy Nhai Đình. Nhai Đình nằm ở khoảng giữa sông Vị và núi Mạch Tích – đó chính là con đường huyết mạch để đi từ Thiểm vào Lũng. Trước khi đi, Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt dặn dò Mã Tốc hãy cẩn trọng. Không ngờ Mã Tốc tự cho mình là thông minh, dám vi phạm phương án bố trí của Gia Cát Lượng, đưa đến hậu quả Nhai Đình bị thất thủ, làm cho Gia Cát Lượng mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu. Xét tình hình thực tế, Gia Cát Lượng cho rằng quân Thục không thể tiếp tục giao chiến được nữa, ông quyết định thu quân trở về Hán Trung.
Sau khi về đến Hán Trung để giữ nghiêm kỷ luật, Gia Cát Lượng, cho chém Mã Tốc, đồng thời viết tờ tấu dâng lên Lưu Thiền xin hạ tước vị của mình xuống ba bậc, và công bố sai lầm của bản thân mình cho cả nước được biết, làm gương cho mọi người tự vạch khuyết điểm của mình.
Tháng 12 năm đó, nhân cơ hội Lục Tốn ở Đông Ngô đánh bại quân Tào Hữu ở Thạch Bình (nay thuộc vùng Đông Bắc Tiềm Sơn, tỉnh An Huy); quân chủ lực phải chi viện cho mặt trận phía Đông; vùng Quang Trung tương đối trống vắng, Gia Cát Lượng liền tổ chức cuộc Bắc phạt lần thứ hai. Quân Thục đi qua Tán Quan (nay thuộc vùng Tây Nam Bảo Kê - Thiểm Tây) hành quân đến Trần Thương (nay ở phía Đông Bảo Kê). Địa thế ở Trần Thương vô cùng hiểm trở, dễ giữ khó đánh, được coi là nơi các nhà quân sự phải chiếm bằng được. Trước đó Tào Chân đã cho Hách Chiêu tăng cường phòng bị. Gia Cát Lượng chỉ huy quân đội đánh ròng rã hai mươi ngày mà không suy suyển, lại thêm lương thảo quân Thục dần cạn kiệt. Về phía quân Ngụy thì đại tướng Trương Hợp dẫn viện binh vừa đến, do đó Gia Cát Lượng chủ động dỡ bỏ vòng vây.
Mùa xuân năm 229, Gia Cát Lượng phát động chiến dịch Bắc phạt lần thứ ba, trận đầu chiếm được hai quận là Vũ Đô (thủ phủ ở vùng phía Tây Bắc, huyện Thành, tỉnh Cam Túc) và quận Dương Bình (Thủ Phủ ở phía Tây Bắc, huyện Văn, tỉnh Cam Túc) thuộc đất Lũng Hữu, sau đó thừa thế thu quân. Do lập công trong chiến dịch chiếm hai quận này, nên Lưu Thiền đã phục chức Thừa tướng cho Gia Cát Lượng.
Tháng 2.231, Gia Cát Lượng lại thống lĩnh đại binh xuất quân từ Kỳ Sơn, tiến hành cuộc Bắc phạt lần thứ tư. Mục tiêu lần này vẫn là chiếm đất Lũng Hữu, nhưng tiền đồn để xuất quân đẩy lên Vũ Đô, Bình Dương. Ông phái một cánh quân vây khốn Kỳ Sơn và tự mình chỉ huy chủ lực chuẩn bị giao tranh một trận sống mái với cánh quân tăng viện của nước Nguỵ. Lúc này, người thống soái quân Ngụy được đã chuyển sang cho vị tướng tài ba giỏi dùng binh pháp là Tư Mã Ý. Tư Mã Ý nghĩ rằng quân Thục lương thảo ít, dễ đánh lâu dài, nên dựa vào thế đất hiểm yếu để cố thủ, không chịu ra đánh. Gia Cát Lượng chờ mãi không được, đành dẫn quân rút lui về phía Kỳ Sơn, nhằm lôi kéo quân Ngụy ra ngoài để đánh. Tư Mã Ý cho quân đuổi theo rất thận trọng, khi quân Thục dừng lại, họ cũng dừng lại không đuổi nữa, tuy nhiên họ chỉ cắm trại cố thủ.
Đến tháng 6 do trời mưa to hết ngày này sang ngày khác, việc vận lương thực rất khó khăn. Tướng phụ trách việc vận lượng là Lý Nghiêm giả mạo chiếu thiên tử lệnh cho Gia Cát Lượng lui binh. Gia Cát Lượng đành chấp nhận rút quân, trên đường rút lui còn gài bẫy, chém được danh tướng nước Ngụy dẫn quân đuổi theo là Trương Hợp.
Mùa xuân năm 234, sau mấy năm chuẩn bị, Gia Cát Lượng lại dẫn 100.000 đại binh tiến theo đường Tà Cốc, mở đầu cuộc chiến tranh Bắc phạt lần thứ năm, mặt khác sai sứ thần sang hẹn với Tôn Quyền cùng tấn công. Tháng 4, quân Thục hành quân đến huyện My. Lúc này, quân Ngụy do Tư Mã Ý thống lĩnh đã đến bờ Nam sông Vị Thuỷ. Tư Mã Ý đã khai thác thế yếu của quân Thục mới hành quân từ xa, đến, vận chuyển lương thực khó khăn, quyết định thủ để công, nhờ yếu tố thời gian làm cho quân Thục phải tan rã.
Quân Nguỵ kiên quyết cố thủ không đánh, đã đưa Gia Cát Lượng vào tình thế giằng co, không thể tiến triển được.
Tháng 7, đội quân do Tôn Quyền chỉ huy sang đánh Ngụy lại bị thất bại lui về Giang Đông. Tháng 8, do vất vả mệt nhọc lâu ngày mà sinh bệnh, Gia Cát Lượng không may ốm chết trong doanh trại Ngũ Trượng Nguyên, chỉ thọ 54 tuổi.
Theo đánh giá chung, cuộc đời binh nghiệp của Gia Cát Lượng rất phong phú, đa dạng. Ông đã để lại di sản quy báu về tư liệu, kiến thức quân sự cho đời sau. Ông kiên trì dùng quân pháp để xây dựng và chỉ huy quân đội. Ông cho rằng thưởng phạt nghiêm minh, giữ nghiêm kỉ luật là yếu tố tạo ra sức mạnh. Nếu kỷ luật không nghiêm, thưởng phạt không phân minh, thì cho dù quân đông đến hàng trăm vạn cũng không thể chiến thắng được kẻ thù. Gia Cát Lượng chú ý áp dụng những kỹ thuật sản xuất tiên tiến để phục vụ cho chiến tranh. Ông phát minh và phổ biến ''con trâu gỗ'' (là loại xe đẩy bằng gỗ có bốn chân và một bánh) xe ngựa (loại xe bằng gỗ, có người đẩy, bốn bánh) giải quyết được vấn đề vận tải lương thực ở miền núi. Khổng Minh rất coi trọng khâu cải tiến trang thiết bị, phát minh ra loại cung liên hoàn kiểu mới, một lần bắn được mười mũi tên, đáng kể là bát trận đồ của ông còn gọi là ''bát trận pháp'', được người đời sau rất coi trọng. Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn để lại nhiều câu danh ngôn về bình luận quân sự. Ví dụ trong cuốn Binh yếu, ông nói: “Nguyên tắc dùng binh, trước hết phải xác định mưu kế, sau đó quán triệt phương án thực hành. Cần tìm hiểu tình hình thiên thời, địa lợi, quan sát lòng người, thông thạo sử dụng vũ khí, vạch rõ nguyên tắc thưởng phạt, nghiên cứu sách lược của đối phương, xem xét địa thế đường sá, nhận biết địa hình có lợi và bất lợi, phán đoán tương quan lực lượng đách - ta, hiểu rõ thời cơ tiến thoái, biết chọn đúng thời cơ tác chiến, làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngự. Tăng cường sức mạnh, nâng cao bản lĩnh chiến sĩ, đúc rút bài học thắng bại, cân nhắc cái giá của sự sống và cái chết. Sau đó mới quyết định điều binh khiển tướng, cắt cử tướng lĩnh, nhằm tạo nên thế trận diệt thù. Đó chính là yếu lĩnh cầm quân đánh giặc”.