Chào bạn đã đến với MEOCODER. Liên hệ chúng tôi Mua Ngay!

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) và sự hồi sinh của dân tộc Việt

Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc). Đất Mê Linh xưa là đất bản bộ của vua Hùng. Vùng đất này kéo dài dọc hai bờ sông Hồng từ Việt Trì (Phú Thọ) đến Hà Nội và trải rộng ra vùng núi Ba Vì (Hà Tây), lan rộng sang vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tương đương với địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây hiện nay.

            Truyền thuyết kể lại rằng, cha mẹ Hai Bà Trưng làm nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén kém hơn gọi là kén nhì; trứng ngài tốt gọi là trưng chắc, trứng ngài kém hơn gọi là trứng nhì. Do đó, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc Trưng Nhị.

            Cha mất sớm, mẹ hai bà là Man Thiện (tương truyền là cháu ngoại vua Hùng) đảm đương việc nuôi dạy con cái. Bà hướng dẫn các con trồng dâu, nuôi tằm và luyện tập võ nghệ. Lớn lên trong cảnh loạn lạc, Hai Bà Trưng đã sớm trưởng thành, đặc biệt là Trưng Trắc, Bà tỏ ra là người “rất can đảm, dũng lược”. Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách[1]cũng là con Lạc tướng ở huyện Chu Diên. Sách ''Đại Việt sử kí toàn thư” có xác nhận sự kiện này: “Thi sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau”[2]. Việc hai hai gia đình kết thông gia làm cho thanh thế của họ càng lên cao.
            Bấy giờ, nhà Đông Hán đang cai trị nước ta. Chúng chia nước ta thành ba quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ Việt Nam), Cửu Chân (Thanh, Nghệ, Tĩnh) và Nhật Nam (Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam) để dễ bề cai trị và thực hiện âm mưu đồng hoá. Nhà Hán bắt nhân dân phải cống nộp đủ mọi thứ của ngon vật lạ, như: ngà voi, sừng tê, đồi mồi, ngọc châu, vàng bạc, và bóc lột tô thuế nặng nề làm cho đời sống của nhân dân ta vô cùng cực khổ.
            Năm 34, Tô Định được cử sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Hắn tham lam, tàn ác, thường xuyên giết hại vô cớ nhiều dân thường, làm cho đời sống nhân dân ta ngày càng cùng cực.
            Trước cảnh nước mất, nhà tan lại được chứng kiến sự tàn ác của Thái thú Tô Định, Thi Sách và Trưng Trắc hiệp mưu tính kế nổi dạy chống lại nhà Đông Hán. Việc chưa thành thì bị bại lộ, Tô Định đã giết chết Thi Sách[3]trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, hòng làm nhụt ý chí của Trưng Trắc. Nhưng hành động đó của Tô Định chỉ làm thổi bùng thêm ngọn lửa căm thù giặc trong lòng Trưng Trắc. Bà cùng với em gái của mình Trưng Nhị đứng lên kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, chống nhà Đông Hán.
            Mục đích hay nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa này đã được ghi lại rất rõ trong “Thiên Nam ngữ lục”, (thế kỉ XVIII), mà sử vẫn thường gọi là ''Lời thề Trưng Trắc'':
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin lấy lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻ vẹn sở công lênh này
            Khi ra trận, dù còn đang mang tang chồng, Bà vẫn ăn vận rất đẹp, tướng sĩ thấy vậy hôi, Bà khẳng khái đáp lại: “Việc binh quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp để cho thế quân hùng tráng; vả lại lũ kia thấy thế, tâm động, nhụt bớt chí khí tranh đấu, thì ta dễ có phần thắng”[4]. Câu trả lời đã khẳng định thêm bản lĩnh kiên cường quyết tâm tiêu diệt giặc của Trưng Trắc, đồng thời, nó cũng thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, đặt lợi ích nhà lên trên hết của Bà Trưng.
            Tháng 3 năm 40, Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa ở khu vực cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây). Cửa sông Hát là chỗ gặp nhau của hai con sông lớn (sông Hồng và sông Đáy. Đây là 11 đầu mối giao thông thuỷ quan trọng nhất nước ta thời bấy giờ. Hơn nữa, sông Hát lại có vị trí rất thuận lợi để xây dựng căn cứ khởi nghĩa:
“Hát Môn có thể dụng binh.
Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà”.
(Thiên Nam ngữ lục)
            Hai Bà Trưng đã khai thác triệt để thuận lợi của thiên nhiên để xây dựng căn cứ khởi nghĩa, chuẩn bị lực lượng và phát động khởi nghĩa.
            Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Sách Hậu Hán thư còn chép lại: “Những người Man, người Lý (dân tộc phương Nam – TG chú) ở bốn quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi dậy hưởng ứng”[5]. Rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào nhiều cuộc khởi nghĩa, trở thành những tướng soái của Hai Bà, như: Nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Vũ Thục Nương (Thái Bình), Thiều Hoa, Diệu Tiên, Man Thiện, Bát Nàn, Đào Kỳ… Hai Bà còn liên lạc và phối hợp với các cuộc đấu tranh vũ trang ở các địa phương khác đang hoạt động độc lập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân lớn mạnh nhanh chóng.
            Từ cửa sông Hát, nghĩa quân theo dọc sông Hồng đánh chiếm Đô úy trị (thuộc Hạ lôi, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), rồi đánh chiếm lại thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Từ Cổ Loa, nghĩa quân mở cuộc tấn công trực tiếp vào thành Luy lâu (nay thuộc xã Lũng Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - sào huyệt của chính quyền đô hộ. ''Bà Trắc rất hùng dũng, đi đến đâu như gió lướt đến đấy[6]. Trước sức tấn công mạnh mẽ của nghĩa quân, chính quyền địch tan rã nhanh chóng. Thái thú Tô Định phải bỏ chạy khỏi thành, bỏ cả ấn tín, cắt tóc, cạo râu mới trốn về được Nam Hải.
            Sau khi chiếm được thành Luy Lâu, Hai Bà chia quân đi truy quét bọn quan quân nhà Hán ở các huyện thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, nghĩa quân đã làm chủ được 65 huyện thành trong cả nước. Nền độc lập dân tộc được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ.
            Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toát đã diễn tả lại sự kiện này một cách sinh động:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành.
Đô kì đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…”


            Sau thắng lợi, nhân dân suy tôn Trưng Trắc lên làm vua. Bà lên ngôi, đóng đô ở Mê Linh (nay thuộc khu vực Hạ Lôi, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc). Trưng Vương đã xá thuế hai năm liền cho nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Đồng thời, Bà cũng ban thưởng và phong chức tước cho những người có công trong cuộc khởi nghĩa đất nước tạm yên ổn.
            Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và công cuộc xây dựng nền độc lập tự chủ của đất nước ta trong một thời gian đã chứng tỏ sự trỗi dậy ý thức tự chủ của dân tộc. Nó phủ định hiên ngang cái tư tưởng bành trướng bá quyền và chủ nghĩa Đại Hán của phương Bắc.
            Có thể nói, đây là cuộc nổi dậy đầu tiên có qui mô lớn kể từ đầu thời Bắc thuộc đến thời điểm này. Cuộc khỏi nghĩa vừa mang tích chất quy tụ, vừa mang tính chất toả rộng. Một mặt, nó quy tụ về cửa sông Hát, về khu vực quận Giao Chỉ theo sự chỉ đạo thống nhất của Hai Bà Trưng. Mặt khác, nó cũng toả rộng ra khắp các vùng trong cả nước và lôi kéo được cả các bộ tộc Việt ở miền Nam Trung Quốc tham gia. Cuộc khởi nghĩa mang tính chất nhân dân sâu sắc, thể hiện tài trí tuyệt vời của Hai Bà Trưng.
            Nhà sử học Lê Văn Hưu đời Trần có nhận xét: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được”[7].
            Sau này, tác giả Ngô Sỹ Liên lại một lần nữa khẳng định khí phách của Hai Bà Trưng: “Họ Trưng giận Thái Thú nhà Hán bạo ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống của nước nhà có cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải chỉ khi sống thì dựng nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn có thể ngăn chặn tai họa. Phàm gặp những tai ương hạn lụt, cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả đến Trưng Nhị cũng vậy. Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho nên, khí hùng dũng ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém đi”[8].
            Về phía nhà Hán, nghe tin thái thú Tô Định để mất Giao Chỉ, vua Hán đã cử ngay Mã Viện, một viên tướng khét tiếng là ác bá sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, hòng chiếm lại Giao Chỉ. Lúc này, Mã Viện đã 58 tuổi, là một lão tướng có nhiều chiến công và kinh nghiệm đàn áp phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc Tạng - Miến và nông dân ở An Huy (Trung Quốc). Cùng với Mã Viện còn có Phiêu Kỵ tướng quân Đoàn Chí được phong làm Lâu Thuyền tướng quân chỉ huy đạo binh thuyền sang Giao Chỉ, Lưu Long vốn làm thái thú Nam Quận (Hồ Bắc), được phong làm Trung Lam tướng quân tước hầu làm phó tướng cho Mã Viện, Bình Lạc Hầu Hàn Vũ.
            Mùa xuân năm 42, Mã Viện dẫn 2 vạn binh và 2.000 thuyền xe, chia làm hai đạo thuỷ, bộ tiến đánh nước ta. Đạo quân bộ do Mã Viện trực tiếp chỉ huy vượt qua các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông đến Hợp Phố tiến vào Âu Lạc. Đạo thuỷ quân do Đoàn Chí chỉ huy theo đường biên đến Hợp Phố để hội quân với đạo quân bộ của Mã Viện đã cùng tiến vào Âu Lạc. Đến Hợp Phố, Đoàn Chí chết. Mã Viện thống suất cả 2 đạo thuỷ, bộ, kéo vào Âu Lạc. Từ vùng ven biển nước ta, hai đạo quân thủy bộ ngược sông Bạch Đằng tới Lục Đầu Giang tiến sâu vào Giao Chỉ, đến thẳng Lãng Bạc (Tiên Du, Hà Bắc). Mùa hạ năm 43, quân giặc ráo riết chuẩn bị tiến công quân đội của Hai Bà.
            Sau một thời gian chờ đợi, chưa thấy Mã Viện tiến quân, Bà Trưng chủ động cử Thánh Thiên đưa quân lên Hợp Phố giữ mạn Bắc. Hai Bà cùng Lê Chân đưa quân lên trấn giữ phía Nam. Thế giặc rất lớn, đạo quân ở phía Bắc đã phải rút lui. Mã Viện thúc quân xuống phía Nam, gặp quân Hai Bà ở Lãng Bạc (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tại đây đã diễn ra các trận đánh quyết liệt khiến cho quân Mã Viện lâm vào tình trạng thiếu lương thực tinh thần rệu rã. Nhiều lúc, Mã Viện phải tính đến chuyện rút quân về nước. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, Mã Viện nhanh chóng lấy lại được ưu thế. Quân Hai Bà Trưng ngày càng yếu đi. Hai Bà buộc phải rút quân từ Lãng Bạc về Cổ Loa, rồi về Hạ Lôi. Mã Viễn tiếp tục đưa quân tiến đánh Hạ Lôi, giết hại hàng vạn người không kể già, trẻ, lớn, bé.
            Sau một năm cầm cự, trước sức tấn công mạnh mẽ của Mã Viện, Hai Bà Trưng phải lui về Cấm Khê (nay thuộc Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Tây). Tại đây, nghĩa quân lấy sông Đáy làm hào ngoài, lấy núi Ba Vì hiểm yếu làm chỗ dựa, lại có khu vực Chửu Chân (Thanh, Nghệ, Tĩnh) làm hậu cứ phía sau. Hai Bà Trưng hi vọng căn cứ Cấm Khê sẽ là cơ sở vững chắc để nghĩa quân xây dựng lực lượng đồng thời là bàn đạp để tổ chức phản công khi có thời cơ.
            Nhưng, một lần nữa, trước sức tấn cống mạnh mẽ của Mã Viện, căn cứ Cấm Khê cũng bị phá vỡ. Hai Bà Trưng hi sinh anh dũng. Cuộc khởi nghĩa đến đây thất bại[9].
            Sau khi Hai Bà Trưng chết, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ. Trong đền, những đồ thờ tự đều sơn đen, tuyệt đối không có sơn đỏ. Nhân dân địa phương khi vào thờ cũng không ai dám mặc áo đỏ. Tương truyền rằng Hai Bà Trưng đã chết vì binh đao nên kiêng sắc đỏ vì giống như máu.
            Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Hán.
            Hai Bà Trưng đứng dậy khởi nghĩa tuy chỉ giành lại độc lập cho đất nước trong một thời gian ngắn ngủi 3 năm (40 - 43) nhưng đó chính là bản anh hùng ca bất diệt cho tinh thần yêu nước, yêu độc lập của dân tộc Việt Nam đầu thời Bắc thuộc. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về hai vị nữ anh hùng của dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị. Tác giả Ngô Thời Sỹ trong “Việt sử tiêu án” đã ca ngợi: “Không gì khó thu phục được là nhân tâm, không gì khó nắm giữa được là quốc thế, lại càng khó nữa là một đàn bà mà tập hợp được cả nhân dân trai tráng làm đồng chí… Trưng Vương là đàn bà góa, búi tóc đứng lên, những con trai trong nước đều cúi đầu chịu Bà chỉ huy, các quan to ở năm mươi thành cũng đều nín hơi, không dám kháng cự… Tiếng tăm hùng dũng của Bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp mở mang của Bà dọc ngang trong trời đất, thật là anh hùng”[10].
            Vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883) khi đọc đoạn sử về Hai Bà Trưng đã ngự phê: Hai bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư!”[11]         
            Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một biện tượng hết sức độc đáo trong lịch sử dân tộc. Trong điều kiện khó khăn của một đất nước nông nghiệp, hai thiếu nữ vùng đồng bằng Bắc Bộ đã đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành độc lập, mở đầu cho lịch sử dân tộc đi lên. Các sử gia phong kiến sau này cũng ví công lao ấy của Bà như những người phụ nữ anh hùng vĩ đại của Trung Quốc: “Trong sách Bắc sử về đời Hán, Đường, cũng có vua đàn bà, như họ Lã, họ Vũ, nhưng đều là nhờ thế đã làm mẫu hậu rồi, mà nắm lấy quyền nhân chủ, thì dễ dàng lung lạc được trong nước, múa may với đàn trẻ. Đến như Bà Trưng là một đàn bà bình thường mà khởi lên được thì khó lắm…. Ông vua bị mất nước, hoặc là bị bắt, hoặc là đầu hàng; con gái ở cảnh nhà tan, hoặc phải bỏ đi, hoặc bị tủi nhục. Bà chị mất nước, bà em cũng tuẫn tiết theo chị, không chịu đầu hàng cũng không chịu để bắt, người chồng ở dưới đất được nhắm mắt, kẻ gian tà trông thấy thế phải cúi đầu. Vua tôi Văn Thúc (tướng Hán) không làm gì nổi. Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn… từ Nữ Oa có việc động trời đến giờ, chỉ có hai chị em Bà Trưng nữa thôi đấy”[12].
            Hai Bà Trưng chính là những người đầu tiên viết nên trang sử vẻ vang chống Bắc thuộc của dân tộc, đã đem đến sự hồi sinh cho tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt.

Theo: Bách khoa tri thức

Getting Info...

Đăng nhận xét

Cookie Consent
We serve cookies on this site to analyze traffic, remember your preferences, and optimize your experience.
Oops!
It seems there is something wrong with your internet connection. Please connect to the internet and start browsing again.
AdBlock Detected!
We have detected that you are using adblocking plugin in your browser.
The revenue we earn by the advertisements is used to manage this website, we request you to whitelist our website in your adblocking plugin.
Site is Blocked
Sorry! This site is not available in your country.