Tên hiệu là Ức Trai, vốn người xã Chi Ngại, lộ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) sau rời về Nhị Khê, châu Thượng Phúc, Lộ Đông Đô (nay thuộc tỉnh Hà Tây); xuất thân từ một gia đình quý tộc. Là con Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh, nhà văn xuất sắc thời Trần - Hồ, là cháu ngoại Trần Nguyên Đán, nhà thơ lớn và Tể tướng cuối triều Trần. Nguyễn Trãi là nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam với tư cách là nhà văn, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, nhà sử học và địa lý học... Về hoạt động xã hội, ông đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống quân Minh, đồng thời cũng là bậc khai quốc công thần, một lòng đắp xây Vương triều Lê trong buổi ban đầu. Thảm án Lệ Chi Viên oan khiên chu di tam tộc mà Nguyễn Trãi gánh chịu, chính là hệ quả khôn lường của tấm lòng ngay thẳng; của thái độ tận tụy, nói thẳng nói thật, và cuối cùng lịch sử đã chứng minh nỗi oan cho ông. Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Lòng ức Trai sáng như sao Khuê - Lê Thánh Tông), được tôn là bậc thi bá (Nguyễn Mộng Tuân); là người viết thư thảo hịch, tài giỏi hơn hết một thời, văn chương gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế (Lê Quý Đôn); là sông Giang sông Hán trong các dòng sông, sao Ngưu sao Đẩu trong các vì sao (Tô Thế Nghi); viết nên áng hùng văn có khí lực dồi dào... đọc không biết chán (Phạm Đình Hồ); rõ ràng và trong sáng trong khoảng trời đất (Dương Bá Cung)...
Gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, trên cương vị Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ Nguyễn Trãi đã có tập thơ binh vận - luận chiến nổi tiếng: Quân trung từ mệnh tập sử dụng đao bút như một thứ vũ khí lợi hại, góp phần làm suy yếu tinh thần quân địch. Sau chiến thắng năm 1428, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo được coi là áng Thiên cổ hùng văn; viết tiếp Phú Núi Chí Linh và Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi nêu bật công tích của Lê Lợi trong sự nghiệp cứu nước. Về sáng tác thơ, các tập thơ của ông hầu như được viết trong thời gian sau chiến tranh. Tập thơ Ức Trai thi tập bằng chữ Hán bao gồm 105 bài nằm trong dòng chảy thơ Đường truyền thống và trong hệ quy chiếu của mỹ học phong kiến. Riêng với Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm gồm 254 bài, có thể coi Nguyễn Trãi là người chính thức khởi đầu bằng một tập đại thành thơ quốc âm, mở ra cả một dòng chảy lớn trong nền thơ ca dân tộc. Hơn thế nữa, Quốc âm thi tập còn có ý nghĩa là sự phá cách cách tân, khắc phục khuynh hướng quy phạm, mở rộng cảm quan sáng tác thi ca, đặc biệt trong cách diễn tả Thế giới thiên nhiên và nội tâm con người bằng ngôn ngữ và tâm hồn dân tộc.
Cũng vào thời kỳ hậu chiến, Nguyễn Trãi đã được ban họ Vua và tước quan Phục hầu, được giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại bộ Thượng thư, tiếp tục thay Vua soạn thảo nhiều chế, chiếu ban bố trong nước, và các thư biểu bang giao với nhà Minh. Ngoài ra, ông còn biên soạn bộ sách Dư địa chí và Luật thư, nêu ý kiến tranh luận về luật hình, âm nhạc, văn hiến dân tộc. Tóm lại, Nguyễn Trãi đã trở thành hiện thân cho bước chuyển thời đại từ Phật giáo Lý – Trần sang Nho giáo; người đặt nền móng tư tưởng – văn học nghệ thuật cho thời đại Nho giáo thịnh trị, đặc biệt trong buổi đầu còn le lói ánh sáng hào quang của tinh thần Phục Hưng và ý nghĩa nhân văn. Đánh giá những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn, nhân loại; năm 1980, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là Danh nhân văn hóa và được kỷ niệm trên toàn thế giới.