Chào bạn đã đến với MEOCODER. Liên hệ chúng tôi Mua Ngay!

Shakespeare (1564 - 1616)

Không thể nghi ngờ rằng Shakespeare là linh hồn của văn hóa Phục hưng Anh. Sự nghiệp sáng tác của Shakespeare làm người ta kinh ngạc. Hiếm có nhà  văn nào mà có nhiều tác phẩm trường tồn như ông. Đặc biệt ở địa hạt kịch, ông là một đỉnh cao đầy thách thức đối với bất kì nhà soạn kịch nào. Cống hiến của ông là giúp con người hiểu thêm về mình. Nghệ thuật đối với ông là một tấm  gương phản chiếu cuộc sống, rằng chớ nên ''vượt khỏi sự khiêm tốn, giản dị của tự nhiên”. Đó là những quan điểm nghệ thuật tiến bộ không chỉ với thời đại ông  mà còn đối với những thời đại sau, kể cả hiện nay, khi nhiều trường phái, nhiều học thuyết nhân danh là “mới'' đang muốn kéo nghệ thuật đi chệch khỏi con  đường chân chính.

Nước Anh bước vào thời đại Phục hưng muộn hơn so với Italia và một số nước Tây Âu khác. Cùng với xu thế tiến lên chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu, nước Anh mau chóng hình thành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, đặc biệt ở miền Nam. Nhưng kéo theo sự phát triển của những công trường là hàng nghìn nông dân bị mất đất, bị xua đuổi và trở thành nhân công rẻ mạt cho chủ tư bản. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra và đều bị dìm trong biển máu. Số phận của thợ thủ công cũng khốn khổ không kém. Họ bị bóc lột thậm tệ, lao động từ 12 đến 14 giờ với đồng lương đói rách. Họ và những người nông dân đã trở thành nạn nhân của mối liên kết giữa tư sản và tầng lớp quý tộc mà đứng đầu là nhà vua.

Sự liên kết chặt chẽ giữa tư sản và lớp quý tộc mới đã thống nhất thị trường trong nước và bành trướng thế lực ra bên ngoài. Kết quả là nước Anh nhanh chóng trở thành cường quốc số một ở Châu Âu dưới thời nữ hoàng Elilabeth I. Đây là điều kiện thuận lợi biến London kinh đô của nước Anh trở  thành kinh đô của triết học, khoa học kĩ thuật, văn học và nghệ thuật. . . Văn hoá Phục hưng khi vào Anh cũng phát triển mạnh như vũ bão, Nó cũng mang theo tính chất của mọi phong trào văn hoá Phục hưng đã phát triển trên lục địa Châu  Âu: tinh thần chống chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều kinh viện Trung cổ nhằm giải phóng cho trí tuệ của con người, khẳng định cuộc đời trần thế, đòi hỏi giải phóng cá nhân, niềm vui say trước những phát kiến về thiên văn và địa lí, niềm say mê trước vẻ đẹp của những tác phẩm văn nghệ cổ đại Hi Lạp...
Nhưng bên cạnh những tính chất chung đó, văn hoá Phục hưng Anh còn biểu hiện những đặc trưng cơ bản khác, do lúc này nước Anh là ''một quốc gia tư bản chủ nghĩa điển hình''. Ở đấy là những mâu thuẫn khốc liệt của sự phân biệt giàu nghèo, tác dụng của đồng tiền đối với nhân phẩm và tình thương, những quy luật cạnh tranh. . . Tình hình đó đã chi phối hướng phát triển của văn học nghệ thuật, để phản ánh trọn vẹn những mặt đối lập, những mâu thuẫn không thể điều hoà đó, kịch là loại hình nghệ thuật có khả năng hơn cả. Đây lại là điểm  mạnh khi nước Anh vốn đã có truyền thống lâu đời về kịch.
Khoảng thời gian từ 1580 cho đến 1642, nền kịch Anh phát triển mạnh mẽ, phong phú xưa nay chưa từng thấy. Nhiều xu hướng với nhiều tác phẩm đua nhau nảy nở, chủ yếu theo hai hướng chính: Đó là khuynh hướng của những cuộc tình éo le, trắc trở song rút cuộc là thành công. Những chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ, với ngôn từ thấm đẫm chất trữ tình, chải chuốt. Khuynh hướng thứ hai  thì ngược lại. Miêu tả những cảnh tượng hãi hùng, rùng rợn, đầy máu và nước  mắt dựa trên chủ đề về hận thù và khát vọng. Trên sân khấu chỉ toàn cảnh chết  chóc, đâm chém khốc liệt.
Nhưng từ khi Shakespeare xuất hiện, sân khấu kịch chỉ dành riêng cho ông. Ông chính là nhà soạn kịch, nhà thơ thiên tài, người đại biểu xuất sắc nhất cho văn đàn nước Anh thời Phục hưng.
William Shakespeare sinh ngày 23.4.1564 tại thị trấn Stratford nằm trên bờ sông Avon, thuộc miền Trung nước Anh. Cha ông rời bỏ nghề nông ra thị trấn này làm ăn và trở nên khá giả, có lúc ông đã làm thị trưởng mấy nhiệm kì. Nhưng sau đó gia đình làm ăn sa sút, năm 14 tuổi Shakespeare phải bỏ học đi  làm kiếm sống. Năm 18 tuổi, Shakespeare lập gia đình và khi 23 tuổi ông để vợ con lại thị trấn quê hương hăm hở ra London với ước mơ lập nghiệp. Ông đến  với rạp kịch được xây dựng lần đầu tiên ở Anh và làm đủ công việc từ chân giữ  ngựa, chân soát vé, chân nhắc vở rồi làm diễn viên. Ông thử cầm bút soạn lại, cải biên một vài vở cũ, viết chung với soạn giả khác một hai vở mới, sau đó mới sáng tác một mình. Trong quá trình sáng tác, ông nhận thấy mình còn thiếu hụt nhiều kiến thức, Ông đã tự mày mò học về lịch sử, triết học... tự quan sát đời sống giới thượng lưu, và nhờ mối quan hệ với nhiều người mà ông thâm nhập vào mọi môi trường sống để hiểu biết về xã hội. Ông cũng được những người trong nghề kịch chỉ bảo, tiếp thu vốn kinh nghiệm trong dàn dựng kịch, nhờ vậy  ý tưởng sáng tạo của ông đã mau chóng đơm hoa kết trái.
Shakespeare nổi tiếng chỉ sau 5 năm có mặt ở kinh thành. Hai mươi năm cầm bút, ông để lại gần 40 vở kịch, 2 bản trường ca, một tập gồm 154 bài thơ xone. Tính trung bình mỗi năm ông viết 2 vở kịch. Ông được thừa nhận là nhà thơ, nhà soạn kịch lớn nhất của thời đại mình. Người cùng thời coi ông là ''nhà  thơ giọng lưỡi ngọt ngào'' (The honey - tongued poet), là ''người vung ngọn dáo''  làm “náo động kịch trường''... Victor Hugo, Goeth coi ông là một bậc thầy của thi ca và kịch. Cuộc đời sáng tác của Shakespeare thường được chia thành bốn  giai đoạn.
Giai đoạn đầu khoảng từ 1590 đến 1594. Đây là thời kỳ ông viết các vở  Hài kịch của những hiểu lầm, Hai chàng công tử ở Veron, Công cốc vất vả vì tình, vở kịch lịch sử Henry VI. Người ta thường coi đây là thời kì tập sự, thử sức của Shakespeare, thời kì ông sửa chữa cải biên các vở kịch cũ và hợp tác với soạn giả khác khi viết vở mới. Đây cũng là thời kì Shakespeare cho ra đời một  số bài thơ xone và bi kịch nổi tiếng Romeo và Juliet.
Giai đoạn thứ hai từ 1594 đến 1600 là thời kì ông sáng tác những vở kịch lịch sử nổi tiếng như Henry VI, Henry V... cùng loạt hài kịch vui nhộn như ầm ĩ vì chân không đâu, Xin tuỳ thích, Đêm thứ 12, Giấc mộng đêm hè, Chàng lái  buôn ở Venice. Đây là thời kì tài năng của Shakespeare nở rộ, những vở kịch phản ánh cảm quan yêu đời, lạc quan, tự hào về đất nước, phác hoạ không khí của ''Cái nước Anh vui vẻ''.
Giai đoạn thứ ba từ 1601 đến 1608 là giai đoạn của những vở bi kịch lớn như Hamlet, Othello, Vua Lear, Macbeth, Antony và Cleopatra ... giai đoạn này cảm hứng lạc quan vui vẻ đã thay bằng thái độ phê phán lên án những mặt đen tối, những cái xấu xa, lên án tội ác và bạo lực nêu bật sự khủng hoảng bế tắc của cả một xã hội, một thời đại.
Giải đoạn cuối cùng từ 1609 đến 1613 là giai đoạn của những vỏ kịch tình duyên thơ mộng, đầy gian nan trắc trở nhưng cuối cùng tốt đẹp Pericles, Cymbeline, Câu chuyện mùa đông, Bão táp, Sáng tác thời kì này mâu thuẫn có phần dịu xuống, không còn gay gắt quyết liệt như thời kì trước, vì vậy mà có  những kết thúc vui vẻ với cảnh sum họp đoàn viên.
Từ 1613, Shakespeare không viết nữa, về lại thị trấn quê hương và chỉ ra London vài lần. Và ngày 23.4. 1616 ông từ trần. Trong suốt cuộc đời sáng tác người ta vẫn thường thắc mắc tại sao Shakespeare ngừng viết khi cây bút của ông chưa hề tỏ ra đuối sức? Nguyên nhân thì  nhiều, mỗi người lại giả thiết một kiểu. Nhưng nguyên nhân chủ yếu phải chăng liên quan đến 20 năm sáng tác tương đương với bao nhiêu biến cố trong lịch sử nước Anh.
Thời đại của Shakespeare là thời của những chuyển biến dữ dội từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản. Theo Shakespeare, ông viết kịch là để ''chìa ra  một tấm gương tự nhiên nhằm làm cho đạo đức thấy hình ảnh của nó, thói vô  đạo đức tự biết khinh bỉ và mỗi thế kỉ, cả thời đại nói chung có thể nhận ra bộ mặt và tính cách của nó'' (Hamlet, hồi III cảnh 2). Thời kỳ viết những vở kịch vui vẻ là thời kì mà tâm trạng của ông có nhiều đắc ý, hân hoan trước chiến thắng của nước Anh, trước nước Anh đang lớn mạnh. Nhưng càng về sau, trong  kịch của ông càng nhiều yếu tố bi, âm hưởng của niềm lạc quan hầu như không còn. Nhân vật Hamlet đã nói ''Thật là một thời đại đảo điên tan tác'', ''Cả thế giới giờ đây là một nhà tù, một nhà tù đen tối'' và tất nhiên là ''Giờ đây ta không còn cảm thấy vui bên cạnh con người''. . . Thế giới quan trọng những vở bi kịch hết sức tăm tối, nặng nề, phần nào đó Shakespeare không chìm sâu vào những bi kịch tăm tối có lẽ là niềm tin yêu đối với công chúng, những người luôn say mê  và ủng hộ ông tiếp tục sáng tác.
Còn một nguyên nhân trực tiếp khiến Shakespeare từ giã sân khấu, đó là thái độ thù địch của phái Thanh giáo và của giới cầm quyền đối với nghệ thuật sân khấu, cùng với thị hiếu chuộng hình thức hoa mĩ, cầu kì đang thắng thế, đi ngược lại với quan điểm của ông là ''Chớ bao giờ vượt ra khỏi cái bình dị của Tự nhiên''. Một khi nghệ thuật chỉ đơn thuần là mua vui, giải trí dễ dãi thì sứ mạng của Shakespeare - người nghệ sa chân chính - cũng kết thúc!
Trước khi nói về kịch, đóng góp to lớn nhất của Shakespeare, cũng không nên quên rằng Shakespeare còn là một nhà thơ. Ông có 2 truyện thơ và 154 bài  xone, những bài thơ 14 dòng xuất xứ từ Italy nhưng đã được Shakespeare điều chỉnh về âm vận cho phù hợp với tiếng Anh. George Gissing, nhà thơ Anh thế kỉ 19 đã nhận xét về thơ của Shakespeare như sau: ''mỗi một từ đều có hàm ý phong phú hoàn chỉnh, mỗi một dòng đều có tiết tấu vui tai như âm nhạc.
Shakespeare có gần 40 vở kịch. Căn cứ vào đề tài có thể phân thành nhiều nhóm như: kịch lịch sử, hài kịch, bi kịch. Trong mỗi nhóm, Shakespeare lại có những vở kịch xuất sắc khác nhau.
Kịch lịch sử có thể phân thành hai dòng, dòng lịch sử của nước Anh và dòng lịch sử lấy đề tài La Mã cổ đại. Kịch lịch sử cho thấy quan điểm chính trị của ông là tán thành và ủng hộ nhà nước quân chủ tập trung có khả năng thống nhất quốc gia và ''chặt cụt lưỡi kiếm của những tên phản bội nào lăm le muốn kéo trở lại những ngày tang tóc và làm cho nước Anh đáng thương này phải khóc tuôn từng suối máu''. Shakespeare chủ tâm mượn lịch sử để rút ra bài học: hôn quân và bạo chúa, vua nhu nhược, những kẻ quyền cao chức trọng mà đắm đuối trong tửu sắc thì kết quả cuối cùng không tránh khỏi là hoạ diệt vong. Ông thấy được và miêu tả sức mạnh nhân dân có thể lật nhào bạo chúa, hôn quân.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những vở kịch lịch sử của Shakespeare làm sống lại quá khứ. Kịch của ông đem lại một cái nhìn sắc sảo đối với các sự kiện,  các nhân vật lịch sử. Ông luôn luôn lựa chọn những nhân vật có vấn đề trong những thời điểm có vấn đề, tập trung khắc họa tính cách nhân vật khi nhân vật  lâm vào hoàn cảnh bị dồn nén.
Shakespeare là một cây bút hài kịch độc đáo. Ông viết khá nhiều hài kịch như Hài kịch của những hiểu lầm, Cô nàng đáo để đã thuần rồi, Cong cốc vất vả  với tình, Giấc mộng đêm hè, Chàng thương gia thành Venice, Đêm thứ mười  hai. . . Những vở hài kịch của ông trước hết là để mua vui cho công chúng nước  Anh lúc bấy giờ, các chủ đề thường là tình yêu đôi lứa, để viết nên những vở hài kịch ông thường mượn cốt truyện nước ngoài của các nhà văn Ý, Pháp, Tây Ban  Nha, hay những câu chuyện từ thời La Mã cổ đại.
Vở hài kịch Giấc mộng đêm  hè đưa người xem vào một thế giới nửa hư nửa thực. Câu chuyện xảy ra tại  thành Ten, trong cánh rừng gần thành phố. Còn  ''Đêm thứ mười hai'' cũng chung một chủ đề về tình yêu. Câu chuyện xảy ra  trong thế giới trần gian này, ở Ilirya - dưới bầu trời của phương Nam ngào ngạt hương hoa, Công tước Osino say mê quận chúa Olyvia đến khắc khoải đêm ngày. Chàng đang cần một sứ giả tình yêu đến làm cầu nối vôi Olyvia. Vừa lúc đó, Vaiola, một cô gái xinh đẹp cải trang nam giới lấy tên là Xezario để đi tìm  Xebaxchia - anh trai nàng xuất hiện. Tưởng đó là một chàng trai, Osino dốc cạn bầu tâm sự, Vaiola vô cùng xúc động trước tình yêu đắm say của chàng trai, nàng nhận lời làm thuyết khách cho chàng. Nàng đem hết tài năng thuyết phục  Olyvia nhưng  trớ trêu thay, Olyvia lại nhầm tưởng đó là một chàng trai nên đem lòng yêu người thuyết khách hơn yêu chàng công tước Vaiola vẫn phải giấu kín tung tích, nàng càng chứng tỏ là trai thì càng khiến quận chúa yêu mình. Càng chứng kiến nỗi đau khổ của công tước Osino bao nhiêu, Vaiola càng xúc động và yêu chàng bấy nhiêu. Sự xuất hiện của Xebaxchia đã gỡ hết mọi mối tơ mành. Chàng và Vaiola là anh em sinh đôi, giống nhau đến nỗi quận chúa cũng nhầm. Khỏi phải nói, chàng đáp ứng lại tình cảm nồng nàn của quận chúa, lúc bấy giờ, Vaiola cũng chẳng cần che giấu mình giả trai nữa. Công tước lại vô cùng sung sướng ngỏ lời cầu hôn nàng vì thấy rõ Vaiola là người con gái chẳng những thông minh, xinh đẹp mà còn có tấm lòng cao quý! Câu chuyện kết thúc,  tiếng cười vút lên sảng khoái và mãn nguyện vì tình yêu cuối cùng đã trọn vẹn.
Trong hai vở kịch nói trên, Shakespeare đã thả hồn mình vào những cảnh thiên nhiên sống động, những cảnh đôi lứa hẹn hò, tâm trạng nhân vật được thể  hiện một cách tinh tế từ thương nhớ, chờ mong đến hi vọng và hạnh phúc...  Đây là hai vở hài kịch kết hợp tiếng cười và tính lãng mạn bay bổng. Trong khi đó, ''Chàng thường gia thành Venice'' lại kết hợp tiếng cười với những bài học sâu sắc về tình người. Antonio là một thương gia giàu có và nổi tiếng hào hiệp ở Venice. Để giúp bạn là Bassiano cầu hôn được nàng Portia, Antonio - vì không  sẵn tiền mặt – đành phải đến vay Shylock - tên Do Thái cho vay nặng lãi, ba nghìn đồng tiền vàng. Shylock vốn không ưa gì Antonio, hắn ra điều kiện: nếu đến kì hạn mà chàng không trả đủ thì chàng phải để cho hắn xẻo 1/2 livro thịt trên người chàng. Chuyện xảy ra như dự kiến của hắn, Antonio không có tiền trả nợ. Shylock kiện ra toà. Trong phiên toà, ai ai cũng khuyên hắn nên có lòng thương người nhưng hắn khăng khăng đòi phải thi hành bản cam kết. Phiên toà đang bế tắc thì Bassiano về. Chàng đưa tiền cứu bạn, hắn từ chối. Chàng bèn trả  cho hắn gấp đôi, thậm chí gấp mười lần nhưng Shylock vẫn khăng khăng từ chối tiền. Phiên tòa lại rơi vào bế tắc. Bỗng xuất hiện một luật sư tuấn tú khôi ngô, theo sau là viên thư kí cũng tuấn tú khôi ngô. Sau khi khuyên bảo Shylock nên có lòng khoan dung và bị hắn bác bỏ. Luật sư đề nghị thi hành bản án nhưng với  điều kiện, Shylock không được làm đổ dù chỉ một giọt máu của Antonio. Hắn ngớ người trước điều kiện đó, nhưng đã quá muộn, hắn vừa không thể hành tội  Antonio mà còn bị toà trừng phạt. Bassiano mời luật sư là các bạn đến mừng  thắng lợi, giữa tiệc vui, mọi người mới vỡ lẽ rằng luật sư tài giỏi chẳng phải ai khác là nàng Portia.
Trong quá trình sáng tạo, Shakespeare không chỉ hướng sự chú ý vào nhân vật Antonio mà ngòi bút của kịch gia còn tái hiện hình ảnh hai nhân vật đối nghịch nhau: Portia và Shylock. Một bên đại diện cho chủ nghĩa nhân văn, một  bên là đại diện của những thói xấu xa ti tiện. Sự thắng lợi của Portia cũng là sự thắng lợi của nhân ái và lương thiện trước những thế lực tàn ác.
Những vở kịch vui của Shakespeare vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nhưng thực sự để đánh giá tài năng vẹn toàn của một kịch gia kiệt xuất như Shakespeare, không thể không nhắc đến những vở bi kịch.
Ro meo và Juliet là vở bi klch đầu tay của Shakespeare, ra đời trong thời kì ông đang hào hứng sáng tác kịch lịch sử, hài kịch và đang được tán dương nồng nhiệt với hai thể loại này. Vở kịch được công diễn và gây nên nỗi xúc động lớn lao trong dư luận. Đó là câu chuyện bi thảm của đôi lứa yêu nhau đã  lấy cái chết để phản kháng lễ giáo phong kiến và mối hận thù truyền kiếp của gia tộc. Câu chuyện bi thảm này vốn là câu chuyện của Italy thời Trung cổ, được một số nhà văn ghi chép lại, dưới ngòi bút tài hoa của ông câu chuyện trở thành  bản tình ca thách thức lễ giáo phong kiến giành lấy quyền tự do yêu đương. Cái  bi ở đây không nằm trong tính cách, không do tính cách nhân vật quy định. Cái  bi ở đây do hoàn cảnh gây ra xô đẩy hai nhân vật trung tâm vào chỗ chết. Vì vậy  đây là vở thuộc phạm trù bi kịch kiểu cũ. Mô típ hận thù dòng họ gây nên tấn bi kịch cũng là mô típ quen thuộc của bi kịch truyền thống từ trước đến bấy giờ.
Lecmantov, nhà thơ Nga nổi tiếng thế kỉ 19 từng say sưa ca ngợi: “Nếu như Shakespeare vĩ đại thì đó là ở Hamlet. Nếu như Shakespeare thật là Shakespeare, một thiên tài vô cùng rộng lớn, đi sâu vào lòng người và những quy luật của vận mệnh, một thiên tài độc đáo, nghĩa là một Shakespeare không ai bắt chước được thì đó chính là ở Hamlet''. Trong suốt vài trăm năm qua, đây vẫn là vở kịch sống động nhất với nhiều cách dựng khác nhau. Cốt truyện của vở kịch được Shakespeare mượn từ một truyện dân gian trong cuốn ''Truyện lịch  sử Đan Mạch''. Và nó cũng được một nhà soạn kịch khá nổi tiếng thời bấy giờ là Thomas Kit chuyển thể trình diễn trên sân khấu. Đến Shakespeare, ông đã thừa  hưởng khá nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước, nhưng ông đã cải biến câu chuyện trả thù đơn thuần thành một vở kịch sâu sắc mang đặc trưng thời đại  ông, nói lên những băn khoăn về lẽ sống, về ước vọng của con người. Một tác phẩm tuyệt vời kết hợp giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa  sân khấu và cuộc đời.
Vở Hamlet kể lại câu chuyện phụ vương của hoàng tử Đan Mạch là Hamlet bị người em trai, tức chú của Hamlet là Claudius đầu độc giết chết để  cướp ngôi. Về sau ông ta còn cưới chị dâu, tức mẹ của Hamlet làm vợ. Oan hồn của vua cha về báo mộng đồng thời hối thúc Hamlet trả thù. Đối với một chàng  hoàng tử được nuôi dưỡng bởi tư tưởng nhân văn thì phụ vương cha mình là người tiêu biểu cho sự hiền minh sáng suốt, em đoạt ngôi của anh, cưới chị dâu là một hành động xấu xa khiến cho chàng hoài nghi sự tốt đẹp của thế giới và  mất niềm tin trước sự lương thiện của loài người. Do vậy từ bi kịch cá nhân đã  biến thành bi kịch xã hội. Hamlet buồn than ''Nước Đan Mạch và cả thế giới chỉ là một ngục tù!''.
Từ nỗi đau của riêng mình, Hamlet nhìn rộng ra xã hội và thế giới, Thời đại của chàng là ''thời đại đảo điên tan tác, chàng thất vọng nhận ra sự thoái hoá, biến chất của con người ''Bẩn thỉu thay là đời! Ôi bẩn, bẩn ! Thật là một vườn hoang mọc lên từ những hạt giống độc, đầy rác rưởi thối tha!''. Có lúc quá chán chường, tuyệt vọng chàng muốn tự sát ''Ôi thịt da rắn chắc này hãy chảy ra đi, ta ra đi như một giọt sương!''. Nhưng Hamlet không gục ngã. Chàng đã lúc yếu đuối và hèn nhát vì ý định tự tử nhưng cũng dũng cảm tự phanh phủi cái bản ngã  của mình. Đây là lần đầu tiên trong văn học thế giới xuất hiện con người - tự mổ xẻ chính mình nhằm khám phá ra những vấn đề thuộc về bản chất.
Vậy Hamlet đã nhận ra con người là gì? Chàng bộc lộ “Kì diệu thay là con người. . . thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài'' và cái làm nên vẻ đẹp của thế gian, theo Hamlet chính là Lí trí, Tư duy, ''Thật thế! Ông tạo phú cho ta trí suy xét mẫn tiệp biết lường trước tính sau, phải đâu là để cho cái năng khiếu ấy, cái lí trí thần thánh ấy bị hoen rỉ trong tim óc, chẳng được dùng tới?''.Và con người có hai cách sống: chịu đựng hay vùng lên chiến đấu để diệt hết khổ đau. Câu hỏi ''To be or noi to be'' (tồn tại hay không tồn tại) luôn khiến  chàng phải băn khoăn lựa, chàng quyết định: sống, là phải chiến đấu tiêu diệt khổ đau, chiến đấu để khôi phục lại trật tự, làm cho cái thời đại đảo điên của chàng trở nên ''ngay ngắn, vững vàng''. Chàng tự hứa với bản thân “Ôi! từ giờ phút này, ý nghĩ ta phải đẫm máu, nếu không sẽ chẳng có giá trị gì''. Và Hamlet vung lưỡi gươm trừng phạt kẻ phản bội, kẻ giết cha chàng, dẫn dắt mẹ chàng vào con đường tội lỗi. Cái chết của chàng khiến người xem xúc động và thương  tiếc nhưng lại là cái chết không sao tránh khỏi. Điều này liên quan đến thời đại  chàng sống, lí tưởng của chàng là tiến bộ nhưng chưa có khả năng thực tế thực hiện nó. Hơn nữa, bản thân tính cách Hamlet cũng khiến chàng trở thành nhân  vật bi kịch Hamlet hiện thân của sự đau khổ về tâm hồn, nỗi đau không ngừng lớn lên, chàng càng không bằng lòng với những nhìn nhận, lí giải có sẵn. Càng suy tư bao nhiêu, chàng càng bị hành hạ. Bi  quan, hoài nghi, do dự là những nét đậm trong tính cách của chàng và trong hoàn cảnh  nào, chàng cũng chỉ là một người cô đơn giữa thế tục. Việc chàng giả điên nhằm che  mắt kẻ thù, vừa là thái độ muốn tách ra khỏi xã hội xấu xa tầm thường đó.
Chủ nghĩa hiện thực của Shakespeare đã xây dựng nên một hình tượng cực kì phức tạp, đa dạng và phong phú. Về nghệ thuật, ông đã giành thắng lợi quyết định cho thể loại bi kịch tính cách mà chính ông đã khai sinh ra nó. Ông còn sáng tạo nên thủ pháp nhân đôi, trong con người của Hamlet luôn luôn tồn tại hai con người đấu tranh với nhau: một con người hành động, một con người trầm tư suy nghĩ. Con người thứ nhất quyết tâm bao nhiêu, con người thứ hai lại hoài nghi, băn khoăn, do dự bấy nhiêu. Nghệ thuật tạo không khí bi kịch, đưa người xem vào cái không khí nửa xưa nửa nay, vừa như truyện cổ mà vừa rất thời sự.
Nhắc đến Shakespeare, người ta nhắc đến Hamlet, và cũng nhắc tới những Othello, Vua Lear, Macbeth... đây đều là những kiệt tác của nghệ thuật kịch. Othello là một vở bi kịch của lòng tin tan vỡ. Othello là tên một viên đại tướng da đen có nhiều chiến công hiển hách của Venice được nàng Desdemona yêu thương tha thiết. Người con gái Venice này xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng sẵn sàng gạt bỏ thành  kiến về màu da và chủng tộc cũng như quan niệm môn đăng hộ đối để mạnh dạn kết hôn bí mật với Othello. Đây là một cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng của sự chân thành hiểu biết lẫn nhau được chủ nghĩa nhân văn ca ngợi. Nhưng nó đã bị sự phá hoại của âm mưu và tham vọng. Viên tướng dưới quyền của Othello là Iago ghen ghét với chàng nên đã bày mưu gian để hãm hại Othello. Hắn vu khống Desdemona tư thông  với tên phó quan. Othello là người thành thực dễ tin, trong cơn giận dữ đã giết chết vợ  mình. Khi nhận ra sai lầm của mình, Othello tự sát.
Trong khi đó, Vua Lear lại lấy đề tài từ câu chuyện cổ của xứ Britain. Vua Lear đã già, có hai cô con gái khôn khéo luôn nói với vua cha những lời đường mật. Cô thứ  ba Cordelia là người yêu cha một cách chân thành nhưng ghét thói ninh bợ giả dối. Do vậy, nàng bị vua cha ghét và gả đi lấy chồng xa, không được chia một xu nào. Hai cô chị sau khi giành được quyền thế quay sang đới xử tệ bạc với vua cha. Vua Lear tỉnh ngộ, nhưng Cordelia không may chết trận. Vì quá đau khổ, nên vua Lear cũng chết  theo sau khi phát điên. Vở kịch vua Lear nhằm thể hiện sự xung đột giữa lòng chân  thành nhân ái lấy chủ nghĩa nhân đạo làm cốt lõi với chủ nghĩa vị kỷ. Cordelia tiêu biểu cho sự chân thành nhân ái và khoan dung, còn vua Lear sau khi nếm trải đau khổ cũng nhận ra đâu là lòng trung thành. Hai cô con gái lớn cấu kết với nhau để cùng mưu lợi nhưng có sự xung đột trong quyền lợi, họ lại ra tay hại lẫn nhau. Họ đã chà đạp lên mối quan hệ cơ bản nhất và tình cảm thiêng liêng nhất của con người là mối quan hệ giữa cha con, mối quan hệ giữa chị em và mối quan hệ vợ chồng. Cái chết của Corledia - người đại diện cho chính nghĩa đã làm tăng thêm tính chất gay gắt và nặng nề trong vở kịch.
Macbeth là vở kịch kể lại chuyện đại tướng Macbeth, một vị tướng người Scotland thiện chiến gan dạ đã thí vua đoạt ngôi và cuối cùng bị tiêu diệt qua  một cuộc chinh phạt. Lời dự đoán của phù thuỷ cũng như lời xúi bẩy của bà vợ đã thôi thúc dục vọng và dã tâm sẵn có trong lòng ông ta, đưa ông ta tới chỗ giết vua đoạt ngôi. Bắt đầu bằng tội lỗi thì cũng phải dùng tội ác để củng cố địa vị của mình. Không có vở kịch nào của Shakespeare lại phơi trần tham vọng, chuyên chế và tàn bạo của cá nhân mạnh mẽ như Macbeth. Nhưng, sự trừng phạt cuối cùng của Macbeth không chỉ qua đạo quân chính nghĩa lật đổ kẻ tiếm quyền, mà đồng thời còn ở sự giày vò suốt ngày đêm từ trong chút ít lương tri  còn tồn tại. Ông ta giết hại nhà vua trong giấc ngủ, thì kể từ đó ông ta cũng ''sát hại giấc ngủ'' của chính mình. Shakespeare đã rất tài tình khi mô tả tâm trạng của một tên sát nhân không còn đường thoát, kinh tởm bàn tay vấy máu của  chính mình ''Nghiêng hết nước biển có thể rửa sạch được hai bàn tay vấy máu  của tôi không? Không! Trái lại hai bàn tay của tôi sẽ làm cho nước biển trở  thành máu đỏ''. Macbeth được thừa nhận là một vở bi kịch kiệt tác còn vì nghệ  thuật kết cấu chặt chẽ, nghệ thuật phân tích tâm lí bậc thầy. Đây là vở kịch ngắn nhất trong những vở kịch của Shakespeare, ngắn vì hàm súc và chặt chẽ. Trí  tưởng tượng của nhà soạn kịch đã dựng nên những cảnh tuy không có thực mà vẫn sinh động, như cảnh các oan hồn hiện trước trướng của Macbeth.
Julius Caesar cũng là một vở kịch được hoan nghênh của Shakespeare. Năm 44 trước Công nguyên, nhân vật độc tài của đế quốc La Mã là Caesar quyền lực ngày càng nhiều. Brutus người bạn thân của Caesar, cũng là người đứng đầu của Viện nguyên lão vì sợ Caesar nắm quyền lực đi tới độc tài chuyên  chế, nên đã âm mưu giết hại Caesar trước mặt mọi người tại Viện nguyên lão. Trong bài diễn văn với lập luận vững vàng, Brutus giải thích với thị dân La Mã  về động cơ ngay thẳng của ông ta. Ông ta giết Caesar vì ''không phải vì tôi thương Caesar quá ít, mà chính tôi thương La Mã quá nhiều. Các bạn có bằng  lòng để cho Caesar sống mà hàng vạn nhân dân phải chết trong kiếp nô lệ, hay là bằng lòng để cho một mình Caesar chết mà muôn dân tự do?''. Nhưng sau đó,  Brutus đã bị những người trung thành với Caesar buộc phải tự sát. Sự nghiệp sáng tác của Shakespeare làm người ta kinh ngạc. Hiếm có nhà văn nào mà có nhiều tác phẩm trường tồn như ông. Đặc biệt ở địa hạt kịch, ông là một đỉnh cao đầy thách thức đối với bất kì nhà soạn kịch nào. Cống hiến của ông là giúp con  người hiểu thêm về mình. Nghệ thuật đồi với ông là một tấm giương phản chiếu cuộc sống, rằng chớ nên ''vượt khỏi sự khiêm tốn, giản dị của tự nhiên''. Đó là những quan điểm nghệ thuật tiến bộ không chỉ với thời đại ông mà còn đối với những thời đại sau, kể cả hiện nay, khi nhiều trường phái, nhiều học thuyết nhân danh là ''mới'' đang muốn kéo nghệ thuật đi chệch khỏi con đường chân chính.
Không thể nghi ngờ rằng Shakespeare là linh hồn của văn hoá Phục hưng Anh, một tác gia Anh sống cùng thời là Ben Jonson đã viết những dòng sau đây ca ngợi ông:
Linh hồn của thời đại...
Shakespeare đã vươn lên!
Người chẳng khác gì một tấm bia sừng sững
Những tác phẩm bất hủ của người sẽ cùng tồn tại đến nghìn thu

Chúng ta sẽ vĩnh viễn đọc nó và tán dương nó!

Getting Info...

Đăng nhận xét

Cookie Consent
We serve cookies on this site to analyze traffic, remember your preferences, and optimize your experience.
Oops!
It seems there is something wrong with your internet connection. Please connect to the internet and start browsing again.
AdBlock Detected!
We have detected that you are using adblocking plugin in your browser.
The revenue we earn by the advertisements is used to manage this website, we request you to whitelist our website in your adblocking plugin.
Site is Blocked
Sorry! This site is not available in your country.