v Tuổi thơ thanh bần và hiếu học
Tướng Giáp quê ở Làng An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, Ông siNh ngày 25 Tháng 8 năm 1911; thân sinh là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà Nho nghèo, yêu nước, giòng dõi khoa bảng, bất khuất và kiên cường. Chuyện kể rằng: Vào khoảng năm 1946- 1947, ở Huế, thực dân Pháp bắt được cụ chúng tra tấn dã man và giam cầm cụ ở Lao Thừa Phủ. Tên mật thám Pháp mắng cụ: . . . ''Không biết dạy con, để con dám chống lại quân đội Pháp hùng mạnh''. Cụ cười ngạo, vuốt râu trả lời: '' Tôi đẻ con ra, chưa kịp dạy thì con đã bỏ nhà đi làm cách mệnh. Chừ tôi có muốn dạy con thì còn mô mà dạy? Vậy tôi nhờ quân đội Pháp hùng mạnh đi bắt giúp con tôi về đây để tôi dạy thử, coi con tôi có chịu nghe không?”
Câu “chửi chữ” của một nhà Nho thâm thúy và bất khuất, "chửi'' ngay giữa lúc cái sống cái chết của cụ nằm trong tay nó, làm nó tức giận tát cụ gãy cả răng và nhốt cụ vào ''ca sô âm phủ''. Rồi chúng đem thủ tiêu cụ, bí mật chôn cụ lẫn lộn với thi hài của nhiều người khác, sau này gia đình và cơ quan không tìm được hài cốt của cụ nữa.
Lúc còn nhỏ, trước khi cắp sách đến trường làng, ông được cha dạy học chữ ở nhà. Ông lại thông minh và hiếu học. Tuy nhiên vì thà nghèo, ngay từ nhỏ, ông vẫn phải lao động để kiếm sống. Đến năm 13 tuổi, ông được vào Huế theo học ở Trường Quốc học; sau đó ông ra Hà Nội học ở khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp. Ông đỗ bằng Cử nhân luật và kinh tế chính trị học vào loại ưu (1937).
v Thời niên thiếu
Khi mới 14 tuổi, ông đã bắt đầu hoạt động cách mạng (1925). Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Cuối cùng chúng vẫn phải thả ông ra. Ông hoạt động đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa, viết bài cho những tờ báo công khai hồi đó: Tin tức; Nhân dân; Tiếng nói của chúng ta; Lao động; làm biên tập viên cho các báo của Đảng; dạy Sử - Địa ở Trường Tư thục Thăng Long. Năm 1934, ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Quang Thái, một Đảng viên Cộng sản, cộng sự đắc lực của ông. Trong những năm hoạt động bí mật ở Hà Nội, hai ông bà đã từng chung sống ở căn nhà số 46 Phố Nam Ngư. Sau này bà bị chết trong ngục tù của Pháp.
Năm 1936 - 1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, ông là một trong những sáng lập viên của Mặt trận và là Chủ tịch ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội. Ông cùng ông Trường Chinh là đồng tác giả cuốn sách Vấn đề dân cày trong đó nêu rõ quan điểm: ''Vấn đề then chốt ở Đông Dương là trao ruộng đất cho dân cày”.
Tháng 5 năm 1940, ông cùng với ông Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được sự dìu dắt của Người. Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940.
Tháng 5 năm 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng mấy cán bộ cao cấp khác xây dựng cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh.
Năm 1942, ông phụ trách ban ''Xung phong Nam tiến”. Tháng 12-1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng Quân; đến ngày 22-12-1944, tại một khu rừng ở Châu Nguyên Bình, Tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm ông đứng ra tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng Quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Và ông được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy. Cuối Tháng 3-1945, ông đưa Đội VNTTGPQ tiến xuống phía Nam, hội quân với Đội Cứu Quốc quân của ông Chu Văn Tấn ở vùng Chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải phóng Quân.
Tháng 8-1945, ông được cử làm ủy viên ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc kỳ làm Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng Quân và là ủy viên Ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II (1945) cử ông vào Ban chấp hành Trung ương và làm ủy viên Ban Thường vụ của BCHTƯ. Ông tham gia ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, và làm Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời. Tháng 1-1946 ông được cử làm Chủ tịch quân sự, ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp và làm phó trưởng đoàn trong phái đoàn Chính phủ VNDCCH đàm phán với Pháp ở Đà Lạt[1].
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong ông làm Đại tướng đầu tiên của QĐNDVN (sắc lệnh số 110).
Ngày 27-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương ĐCSĐD ra nghị quyết ''lập chế độ chính trị ủy viên, đại diện Đảng trong các đơn vi quân đội từ Trung đoàn trở lên, ông làm Tổng chỉ huy kiêm Tổng chính ủy[2].
Tháng 6-1950, có Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ quốc phòng - Tổng tư lệnh, ông giữ chức phó Thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh, Tổng chính ủy, Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông liên tục đảm nhiệm những chức vụ trên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975).
Về Đảng, ông liên tục được bầu làm ủy viên Trung ương các khoá II (1951) đến VI (20-12-1986), làm ủy viên Bộ chính trị các khóa II đến IV (1976). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa I (1946) đến IV (1986).
Cho đến khi ông thôi giữ chức Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ quốc phòng (1980) rút khỏi Bộ chính trị, (1982) ông lại được cử làm Chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch (cuối 1983). Cuối năm 1993, ông được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Thôi tham gia chính sự, ông chuyển sang làm một số công việc quan trọng có tính cơ bản lâu dài khác: làm công tác tổng kết chiến tranh, xây dựng lý luận khoa học quân sự, tham gia các hoạt động khoa học của nhiều ngành, dự nhiều cuộc hội thảo khoa học và viết sách. . . Hiện nay ông vẫn tiếp tục làm việc.
Ông đã được nhận: một Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng I, một Huân chương chiến thắng hạng I của Nhà nước tặng.
v Những giây phút quyết định của một sự nghiệp làm tướng
Ông chuyển sang hoạt động quân sự theo sự chọn lựa và phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng nói: ''Việc quân sự thì giao cho chú Văn”. Là một thành viên trong Bộ chính trị ĐCSĐD (nay là ĐCSVN) ông là người trực tiếp tham gia hoạch định những quyết định lớn của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến. Và ông cũng là người xây dựng đường lối quân sự, chiến lược quân sự, đề ra những chủ trương lớn về tác chiến để đưa ra tập thể lãnh đạo quyết định; sau đó chính ông là người tổ chức việc thực hiện cụ thể trong toàn quân và toàn dân. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, phát động chiến tranh giải phóng dân tộc toàn dân toàn diện và trường kỳ, tổ chức lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt cho đấu tranh vũ trang của quần chúng. Chiến tranh nhân dân thần thánh phát triển đến một đỉnh cao ở Việt Nam đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hai ''đế quốc to” giàu mạnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thuật du kích đã được ông nâng lên tầm vóc một chiến lược thực sự hữu hiệu, và sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy được phát triển đạt đến một trình độ cao. ''Sự kết hợp này, xưa nay chưa từng có”[3].
Ông đã chủ động tổ chức các binh đoàn chủ lực, thường là ''Đi trước một bước"; Đại đoàn 308 được thành lập ngày 28-8-1949; đại đoàn 304 Tháng 3- 1950; kế đó là các đại đoàn 312, 320, 316, 325,v.v… và đại đoàn pháo binh 351 được tổ chức vào những năm 1950-1951 để vừa xây dựng vừa chiến đấu, trưởng thành và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định vào năm 1954. Sư đoàn phòng không 367 thành lập năm 1957 - 1958 đã nhanh chóng phát triển thành quân chủng phòng không không quân hiện đại, làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân chống chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân Mỹ nổ ra ngày 5-8-1964. Các quân đoàn chủ lực cũng được tổ chức sớm, có quân đoàn vừa tác chiến vừa tổ chức để hình thành cánh cung chiến lược phía Tây và phía Đông đánh vào Sài Gòn cuối Tháng 4-1975.
Về chỉ đạo tác chiến chiến lược: Ông đã thực hiện từng bước, chủ động và vững chắc: từ tạo thế chiến lược đến chuyển thế chiến lược và giành chủ động trên từng chiến trướng đến giành chủ động chiến lược trong cả nước. Ông nắm bắt đúng thời cơ chọn đúng đối tượng, đánh đúng ''huyệt hiểm yếu chí tử'' của địch để giáng đòn quyết định giành thắng lợi quyết định. Bốn kế hoạch chiến lược đầy tham vọng của thực dân Pháp kế tiếp nhau bí thất bại. Từ kế hoạch Leclerc, Valluy (Lơcờléc, Valuy) dùng chiến lược ''đánh nhanh thắng nhanh" bị phá sản đến kế hoạch Revers (Rơve 1949-1950) dùng chiến lược bình định lấn chiếm và bao vây cô lập nước ta với chính sách ''dùng người Việt đánh người Việt”, ''lấy chiến tranh nuôi chiến tranh'' cũng bị ra tro. Thực dân Pháp lại thay bằng kế hoạch chiến lược De Lattre de Tassigny (Đờlát đờ Tátsinhi 1950- 1953) với chiến lược ''tăng cường bình định vùng đồng bằng và trung du kết hợp tấn công bằng các binh đoàn mạnh" nhằm chia cắt chiến lược hậu phương ta, giành giật quyền chủ động''. Kế hoạch này cũng bị đập tan khi chúng đánh ra vùng Hòa Bình. Đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, Chính phủ Pháp liền đưa tướng Henri Navarre (Hăngri Nava), một viên tướng có tiếng tăm lừng lẫy và đã từng chiến thắng ở chiến trường Bắc Phi, sang thay thế cho De Tassigny làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (5-1953) để hòng cứu vãn tình thế.
Song kế hoạch của Navarre cũng bị ra ma khi ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castri làm tiêu tan luôn ý chí xâm lược của thực dân Pháp buộc họ phải ký hiệp định đình chiến ở Genève, công nhận nền độc lập của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Trong 9 năm xâm lược Việt Nam (1945 - 1954), 7 tướng sừng sỏ của Pháp[4]đã luân phiên nhau thất bại trước quân dân ta và viên tướng trẻ tuổi Việt Nam mới 43 tuổi.
Trải qua 21 năm liên tục chiến đấu; giải phóng miền Nam, có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương lãnh đạo, tướng Giáp đã chỉ huy quân và dân Việt Nam đánh thắng 5 loại hình chiến tranh ở miền Nam; 4 tướng Mỹ có tên tuổi[5]đã kế tiếp nhau thi thố tài năng, rút cục tướng Owen (Hoen) đành phải ngậm ngùi cuốn cờ trở về đất Mỹ.
Về chỉ đạo tác chiến chiến dịch; Đại tướng đã tham gia trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, có tầm quan trọng quyết định. Thực tiễn chiến thắng trên chiến trường đã khẳng đỉnh rằng quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Bộ Chính trị ĐCSVN cho ''xuất tướng" vào những chiến dịch quyết định là qúy giá và vô cùng sáng suốt. Trong các chiến dịch đó, Đại tướng đã phát huy nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch lên một đỉnh cao bằng những quyết đoán táo tạo, sắc bén, kịp thời và chính xác. Chiến dịch Biên Giới (9-1950 - 10-1950), ông đã chọn đúng điểm đột phá chiến dịch, vận dụng triệt để phương pháp tác chiến ''đánh điểm, diệt viện'' để tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn lê dương Lepage (Lơ pa giơ) và Charton (Sác tông) giải phóng Đường số 4, phá thế bao vây cô lập ta về chiến lược ''của kế hoạch Revers”. Chiến dịch Biên Giới đánh đấu một bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch của quân ta. Tướng Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã lập kế điều động các binh đoàn cơ động của Pháp lên Đông Khê để tiêu diệt, thực hiện phương châm ''sức dùng một nửa công được gấp đôi”. Cao Bằng, Lạng Sơn ta không đánh mà địch phải rút chạy.
Trong chiến dịch Hòa Bình (12-1951 - 2-1952) nhằm đúng lúc tướng Pháp De Lattre de Tassigny đem chủ lực ra chiếm giữ Hòa Bình nhằm chia cắt chiến trường Bắc Bộ, để hở vùng hậu phương của chúng. Đại tướng đã dùng 3 sư đoàn: 308; 312; 304 giam chân và tiêu hao, tiêu diệt chủ lực địch ở mặt trận chính diện, và tung hai sư đoàn 316 đánh vào vùng trung du và 320 đánh vào vùng đồng bằng Thái Bình, Hà Nam Ninh, kết quả là quân ta đã phá rỗng hậu phương địch, chiến tranh nhân dân được đẩy mạnh ở những vùng này. Ta đã phá được âm mưu chia cắt chiến lược của địch và giành giữ được quyền chủ động chiến trường. Kế hoạch chiến lược De Tassigny của Pháp bị phá sản.
Dựa vào thế chiến lược đã được tạo ra có lợi, Bộ Chính Trị ĐLĐVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn điểm quyết chiến chiến lược là Điện Biên Phủ, nơi tập trung sinh lực tinh nhuệ của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định Đại tướng trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Khi địch mới đổ quân xuống Điện Biên Phủ và bị bao vây, phương châm chiến dịch là ''Đánh nhanh, giải quyết nhanh'' với yêu cầu ''đánh tiêu diệt'' và ''đánh chắc thắng”. Trước khi phát lệnh bắt đầu chiến dịch, Đại tướng kiểm tra lại tình hình thì thấy địch đã được tăng cường với lực lượng mạnh hơn, hệ thống trận địa phòng ngự được củng cố, có công sự vững chắc và đã hình thành thế liên hoàn của một tập đoàn cứ điểm mạnh. Lúc này, nếu đánh địch chạy, thì không chắc thắng.
Đại tướng đã đi đến một quyết định: "Hoãn thời gian nổ súng, kéo pháo ra, cho bộ đội lui về phía sau, chuẩn bị lại kỹ càng và đầy đủ mọi mặt”. Quyết tâm của ông đã được Đảng ủy chiến dịch nhất trí. Ông báo cáo lên Bác: "Quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc tiến chắc dù phải khắc phục nhiều khó khăn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề nghị của Đại tướng.
Trong 55 ngày đêm, chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi quyết định và vang dội![6]Thế giới hồi đó khi nói đến Việt Nam là nhắc: ''Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ”.
v Đại tướng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (24-5 - 30-6-1973) xác định nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam lúc này là ". . . Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng mở đường đi tới thắng lợi cuối cùng!. . .[7]
Trong những giờ phút rày, vấn đề lớn mà Đại tướng luôn trăn trở, dốc thiều tâm huyết là thực hiện ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ước mong đó đã được thể hiện trong Nghị quyết Tháng 6-1973 của Bộ Chính trị ĐCSVN và sau đó Nghị quyết 21 (Tháng 10-1973) của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN.
Đại tướng đã chỉ thị thành lập Tổ Trung tâm của cục tác chiến, bao gồm những cán bộ tham mưu chiến lược lão luyện do Tổng tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng và phó Tổng tham mưu trưởng, tướng Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ đạo (sau này khi hai ông ra mặt trận, thì phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất là tướng Hoàng Văn Thái, từ mặt trận miền Nam trở về thay thế chỉ đạo). Tổ Trung tâm được giao trọng trách nghiên cứu lập kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam. Ngày 18-7-1974, Đại tướng chỉ thị cho Tổ Trung tâm lập kế hoạch chiến lược cơ bản để thông qua Bộ Chính trị.[8]
Ngày 21-7-1974 tại Đồ Sơn, cố Tổng bí thư ĐCSVN Lê Quẩn phân tích cho Tổ Trung tâm rõ hơn tình hình mới và yêu cầu mới của cách mạng ở miền Nam.
"… Ngày nay, vấn đề Việt Nam và Đông Dương càng nổi lên trong vùng Đông Nam châu Á, một vùng mà nhiều nước kể cả Trung Quốc và Nhật đều có ý đồ tranh giành ảnh hưởng. . . Họ rất sợ ba nước Đông Dương thắng lợi và mạnh lên. Vấn đề đặt ra với ta là làm sao tạo thời cơ để giành thắng lợi sớm hơn, thắng ngay trong lúc các nước đó chưa sẵn sàng can thiệp. . . Ta cần nghiên cứu cách đánh thắng thế nào, phải thắng to, thắng nhanh để ngụy không kịp trở tay, các nước có ý đồ không kịp can thiệp. Muốn vậy phải chuẩn bị cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa dứt điểm trong vòng 1 – 2 tháng khi có thời cơ chiến lược,…[9].Giải phóng miền Nam với thời gian nhanh nhất, đó là yêu cầu của thời thế, đó là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào miền Nam và cả nước, nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong ngày 18-7-1974, khi chỉ thị cho Tổ trung tâm chuẩn bị kế hoạch chiến lược, Đại tướng đã nhận định và phân tích:
''…Xây dựng kế hoạch cơ bản theo hai bước, bước một: giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Đó là lúc ta đã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường. . . ;bước hai: trên cơ sở đó phát triển lên tổng công kích - tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Về chọn hướng chiến lược, nên chọn hai hướng: Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ…”[10]
Bản dự thảo kế hoạch chiến lược do Tổ Trung tâm làm, qua 7 lần bổ sung chỉnh lý đến tháng 8-1974 mới hoàn chỉnh và được đưa ra Hột nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đợt một phê duyệt (30-9 - 8-10-1974). Quyết tâm chiến lược là giải phóng miền Nam trong hai năm; năm 1975 đánh Nam Tây Nguyên và các nơi khác đánh phối hợp; Tây Nguyên là hướng chủ yếu. . . Thời cơ chiến lược có thể xuất hiện vào đợt hai sau khi đánh vào Nam Tây Nguyên. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược…[11]
Sau chiến thắng Phước Long, ngày 5-2-1975, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được phái vào Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên, chỉ huy hoạt động tác chiến của các binh đoàn thuộc Nam Bộ và chuẩn bị cho chiến dịch quyết định cuối cùng. 10-3-1975 Buôn Ma Thuột bị tiêu diệt, gây một chấn động chiến lược cho địch. Sáng 16-3 địch ở Tây Nguyên rút chạy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích tình hình, đại ý: "Điểm trúng huyệt chí tử của địch ở Buôn Ma Thuột, gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đây chúng cũng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.
Thế là sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết, Tháng 10-1974, quân dân ta đã tạo nên sự chuyển biến mau lẹ tình hình chiến trường rất cơ bản. Ngày 18-3-1975. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp để chỉ đạo tác chiến, Đaịi tướng đề nghị lên Bộ Chính trị ''Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay" (1975), bộ Chính trị đồng ý ''Hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975”. Với quyết tâm đó, trên thực tế cuộc tiến công chiến lược đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược[12].
Liền sau đó 7 ngày (18-3 - 25-3-1975), Bộ Chinh trị và QUTƯ họp chính thức để nghe báo cáo và hạ quyết tâm mới. Cố Tổng bí thư Lê Quẩn cùng các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đều phát biểu sôi nổi phân tích tình hình và đề ra nhiều ý kiến sắc bén để chỉ đạo. Đaịi tướng phân tích và đề đạt: ''Không cần đợi giải quyết xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng; phải đánh Đà Nẵng.ngay. . . Ở hướng Sài Gòn, lực lượng đã đủ - yêu cầu trong tháng Năm phải giải quyết xong Sài Gòn . . . ?
Sau khi giải phóng Huế, Mặt trận Quảng Đà lập tức được thành lập gồm Quân đoàn 2 và các sư đoàn của Quân khu 5 với Tư lệnh là phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, vị tướng mà cán bộ ở Tổng hành dinh thường mệnh danh là ''Giũ Cốp Việt Nam", và Chính ủy là tướng Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN).
Ngay sau khi được thành tập (27-3-1975) Mặt trận Quảng Đà đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, tổ chức hiệp đồng tác chiến tấn công đồng loạt (29-3-1975) và chỉ trong 32 giờ quân ta đã đập tân một cụm quân lớn nhất ở phía Bắc chiến trường miền Nam do tướng ngụy Ngô Quang Trưởng chỉ huy, giải phóng căn cứ quân sự liên hiệp lớn Đà Nẵng. Thực chất đây chính là ''vòng cung chiến lược phía Đông'' mà Đại tướng Tổng tư lệnh đã ấp ủ, tính toán từ trước. Và chỉ trong một tháng thực hiện phương châm ''thần tốc táo bạo, bất ngờ chắc thắng'', vòng cung chiến lược phía Đông cùng các binh đoàn và bộ đội địa phương tại chỗ đã giải phóng toàn bộ các thành phố, thị trấn dọc Đường số 1, các tỉnh Đông Nam bộ; sau đó cùng Quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang thuộc Quân khu 7 tiến đánh thẳng vào Sài Gòn . . .
Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 - 30-4. Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng; Chính ủy: ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục Đảng CSVN; Phó tư lệnh: tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn v.v...) đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho. . .
Tướng Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế thật kỳ diệu: căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng. Phía Nam giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu như thế làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào mưu kế và thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế bị tan rã và sau đó tập trung toàn bộ lực lượng gồm 5 Quân đoàn giải phóng Sài Gòn.
v Văn võ song toàn
Đại tướng là người ham nghiên cứu học tập. Ông đọc các sách Đông, Tây, Kim, Cổ; nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch sử quân sự thế giới và của một số nước; đọc các trước tác của Marx, Engels, Lenine, Mao Trạch Đông, v.v. . . của Napoléon, Tôn Tử, Clausewitz và một số tác giả đương đại khác. Ông trân trọng học tập binh thư của tổ tiên, nghiên cứu binh thư của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Ông tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Tất cả những cái đó để ông tự bồi đắp cho mình một học vấn uyên thâm về khoa học quân sự.
Thư viện Trung ương của quân đội đã lưu giữ được nhiều tác phẩm và sách lý luận của Đại tướng từ năm 1948 đến ray: 64 đầu sách với 10328 trang in; trong đó có cả những tác phẩm văn học, sách viết về đề tài khoa học, kỹ thuật, kinh tế v.v. . . có cuốn được tái bản đến 5 lần. Đó là chưa kể đến hai cuốn mới được xuất bản trong răm 1995 là cuốn Chiến đấu trong vòng vây và Điện Biên Phủ. Ngoài ra còn có 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị,v.v…
Hiện nay Đại tướng đã ở tuổi 95 nhưng vẫn còn khỏe, minh mẫn không ngừng làm việc và viết sách. Số trang sách in của ông chắc không dừng lại ở con số 10328 trang.
Uy tín của Đại tướng tỏa rộng trong nước và ngoài nước.
Ký giả Piter Mac Donal (Pitơ Mác-đô-nan) người Anh viết: "1944 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những Thống soái lớn của tất cả các thời đại.
Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở Cấp Cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”[13].
Ký giả G.Bonrlet (G. Bon nê) người Pháp viết vào Từ điển Bách khoa toàn thư Pháp: ''Là người tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự Mác xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”[14].
Donal S. Marshall (Đô nan S.Mắc san) ký giả người Mỹ viết: ''Đại tướng Giáp, vị tướng 5 sao của quân đội Bắc Việt Nam kiêm Bộ trưởng quốc phòng là vị tướng duy nhất được biết đến nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh Đông Dương - Việt Nam. Ông Giáp (còn cô tên là anh Văn) đã có một vị trí trong lịch sử Thế giới qua việc lãnh đạo lực lượng Việt Minh đánh bại lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ. . .[15]