Mao Trạch Đông - Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cho rằng những chính sách để xây dựng và phát triển đất nước của ông là không phù hợp, thậm chí là sai lầm nhưng trong triệu triệu trái tim của người Trung Quốc, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi như một nhân vật anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, bởi những đóng góp của ông cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là vô cùng to lớn.
Mao Trạch Đông sinh ngày 26.2.893 ở Thiền Sơn tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Nam Trung Quốc trong một gia đình thuộc tầng lớp nông dân nghèo. Nhờ buôn bán thóc gạo, dần dần gia đình khấm khá lên và trở thành phú nông.
Cha ông là Mao Thuận Sinh, một người rất nghiêm khắc, gia trưởng và ham mê công việc. Ngay từ khi còn nhỏ, Mao Trạch Đông đã phải làm nhiều công việc vất vả nặng nhọc. Mẹ ông là Văn Kỳ Mỹ, sau khi lấy chồng gọi là Mao Văn Thị, một cô gái Hồ Nam chăm chỉ hiền lành, hết lòng thương yêu chồng con. Bà là người có ảnh hưởng rất sâu sắc đến cuộc đời của Mao Trạch Đông. Cái chết của bà sau này đã để lại trong lòng Mao Trạch Đông một nỗi đau thương không gì bù đắp nổi.Cuộc nội chiến ở Trung Hoa đầu thế kỷ 20 đã làm gia đình ông tan tác. Năm 1930, Mao Trạch Hồng, chị gái ông bị bắn chết. Năm 1935, Mao Trạch Đàm em trai ông cũng bị giết ở Phúc Kiến. Năm 1943, một người em trai khác của ông là Mao Trạch Dân cũng bị giết dưới bàn tay của Tưởng Giới Thạch. Trải qua nhiều biến cố đau thương đã tạo cho Mao Trạch Đông một đức tính cứng rắn, quyết đoán và kiên nghị. Tính cách này đã giúp ông thành công trong sự nghiệp vì nó phù hợp với con đường ông đã chọn, nhưng nó lại không mấy phù hợp với đời sống riêng tư.
Tuổi thơ và thời niên thiếu của Mao Trạch Đông trôi đi trong nỗi vất vả cực nhọc vì người bố phong kiến luôn muốn ông ở nhà để lo công việc đồng áng và tính toán sổ sách cho ông. So với các bạn đồng trang lứa, Mao Trạch Đông không được đến trường đều đặn, ông luôn phải nghỉ học để lo phụ giúp gia đình. Năm 13 tuổi, cha ông buộc ông phải nghỉ học để ở nhà làm việc. Nhưng đến năm 15 tuổi Mao Trạch Đông tiếp tục đi học bất chấp sự phản đối quyết liệt của người cha. Ông không muốn cuộc đời mình cũng quẩn quanh như cuộc đời của cha ông.
Không như nhiều người khác, nhân vật lịch sử mà Mao Trạch Đông rất khâm phục lại là Tần Thuỷ Hoàng([1]).
Những năm 1913 - 1918, Mao Trạch Đông theo học trường Sư phạm I, tỉnh Hồ Nam dưới sự dẫn dắt của Dương Xương Tế, một giáo sư triết học của trường. Sau này ông đã cưới con gái thầy mình làm vợ. Năm 1917, ông cùng một số sinh viên thành lập nhóm nghiên cứu Tân Dân học hội. Ông được bầu làm người đứng đầu của nhóm. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm I, năm 1918, Mao Trạch Đông tham gia và nhóm nhiên cứu chủ nghĩa xã hội do Lý Tự Đại sáng lập.
Chịu ảnh hưởng khá mạnh của thầy mình là Dương Xương Tế, Mao Trạch Đông sớm đi theo con đường hoạt động chính trị và đã gặt hái được rất nhiều những thành công: Ông sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921, sau 28 năm xây dựng chiến đấu, Mao Trạch Đông đã tổ chức ra Quân giải phóng Trung Quốc và thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Ông đã thành công lớn trong việc tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc để thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn.
Năm 1934, những cuộc tấn công dồn dập và ác liệt của Quốc dân Đảng nhằm loại bỏ Đảng Cộng sản khiến Mao Trạch Đông phải lãnh đạo Đảng Cộng sản đưa quân đội của mình làm một cuộc Trường chinh vĩ đại vượt hơn 10.000km để đến một căn cứ mới. Năm 1937, Nhật đem quân xâm lược Trung Quốc. Trước tình hình khó khăn ấy, Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đã liên minh lại để tiến hành cuộc chiến tranh kháng Nhật cứu nước. Chiến tranh kết thúc, Mao Trạch Đông được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Ông tiến hành cuộc chinh phạt Quốc dân Đảng, thống nhất giang sơn thành một mối.
Ngày 1.10.1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và trở thành vị lãnh tụ đầu tiên của quốc gia rộng lớn này. Ông đã lãnh đạo nhân dân lật đổ giai cấp địa chủ và xây dựng các công xã nông nghiệp.
Trên con đường chính trị đầy khó khăn thử thách, Mao Trạch Đông ngoài sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân đã nhận được sự trợ giúp tận tuỵ của Chu Ân Lai, một người bạn đồng hành thông minh và trung thành. Chính Chu Ân Lai - khi thành lập nước được bầu làm thủ tướng và tại vị 26 năm - đã trở thành bức bình phong che chắn cho Mao Trạch Đông trong cuộc Đại Cách mạng Văn hoá.
Về cuộc sống riêng tư, Mao Trạch Đông đã từng kết hôn tới bốn lần nhưng chưa một lần ông được hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc, chèo lái một đất nước rộng lớn với số dân lớn nhất ông làm được, nhưng để quản lý một gia đình, đó là một điều rất khó đối với Mao Trạch Đông. Không thành công ở những chính sách kinh tế năm 1957 - 1959, Mao Trạch Đông phải từ bỏ vai trò lãnh đạo nhà nước Trung Hoa. Đến năm 1966, ông tiến hành cuộc Đại cách mạng vô sản và cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản này đã gây ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận nhân dân. Tính thiếu thực tế, tả khuynh... của cuộc Cách mạng văn hoá cũng đi vào hồi cáo chung sau cái chết của ông và tháng 9. 1976.
Mao Trạch Đông đã vĩnh viễn ra đi, những cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Trung Hoa như một nhân vật anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc.