Tại ấp Long Châu, 6 hội viên hội nông dân xã vừa thu hoạch ao cá tra, rô phi được 300 kg. Trên người nước còn chảy ròng ròng, họ liền cùng nhau chia cá thành các phần, nhiều thì 3 con ít thì một con, trọng lượng mỗi con 700-800 gram. 6 chiếc xe máy đang chờ sẵn để đi tặng cho người dân.
Các đó khoảng 3 km, 13 cô gái trong màu áo xanh đoàn viên vừa chất rau, củ, quả lên xe ba gác và ôtô tải nhỏ rồi chia nhau mỗi xe một hướng. Phía sau là hơn 10 xe máy, treo lủng lẳng các túi rau, củ đến từng nhà tặng cho người dân. Xe nào hết hàng thì ghé xe tải, xe ba gác đang chạy chậm chậm phía trước để lấy thêm.
Như đã thành thói quen, người dân đứng chờ sẵn ngoài cổng nhà lấy phần hỗ trợ. Người mang đến tặng và người được nhận còn trao nhau nụ cười và luôn miệng nói cảm ơn, lời căn dặn giữ gìn sức khỏe. 7-9h sáng mỗi ngày là khoảng thời gian rộn rã tiếng người hiếm hoi trong mùa dịch ở xứ cồn Long Khánh B vốn vắng vẻ.
Cù lao Long Khánh nằm giữa sông Tiền, rộng 2.800 ha gồm 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B. Trong đó xã Long Khánh B có 2.764 hộ, 12.000 nhân khẩu. Hiện cù lao là địa phương ở Đồng Tháp chưa xuất hiện Covid-19.
Chị Lê Hồ Thuỵ Uyên, Bí thư Xã đoàn Long Khánh B, ví von các thành viên của mình là "đội áo xanh tóc dài", họ vừa vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, vừa kiêm thu hoạch, lựa hàng và cả ship đến tận nhà dân. "Lát nữa cả nhóm đi thu hoạch rau muống. Hôm nào cũng vậy, sáng đi cho rau, trưa chiều đi thu hoạch rồi phân loại. Cực nhọc nhưng ai cũng vui. Gia đình các bạn trong nhóm hầu như chồng đi trực chốt, vợ đi phát rau, con cái thì nhờ ông bà giữ giùm", chị Uyên nói.
Anh Nhan Hữu Lộc, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Khánh B, cho biết ngay khi toàn tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hôm 14/7, Đảng ủy, UBND xã cùng các đoàn thể đã cùng nhau bàn bạc giải pháp giúp người dân vượt qua thời gian khó khăn. Tình hình thực tế do ảnh hưởng dịch, nhiều nông dân trồng rau củ và nuôi cá nhưng khó tiêu thụ. Trong khi người dân trong xã việc đi chợ cũng gặp không ít khó khăn, chưa kể nguồn thu từ hoa màu, nuôi cá giảm, đời sống cũng chật vật.
Qua vận động các mạnh thường quân, xã có được một số kinh phí, lấy đó mua cá, rau của nông dân với giá vừa phải. Sau đó, các thành viên trong nhóm phân phát cho người khó khăn. "Đa số nông dân vừa bán rẻ vừa cho, có người cho cả ao cá, cho cả vườn rau. Các cô, các chú bảo giúp nhau lúc khó khăn thì có là bao. Người có của cho của, người thì giúp công cùng nhau làm", ông Lộc nói.
Hơn nửa tháng hoạt động, xe hàng 0 đồng đã phân phát được gần 2 tấn cá mè vinh, cá tra, cá rô phi và khoảng 10 tấn rau, củ, quả (dưa leo, cải, bầu, bí, khổ qua, đậu que...) với chi phí hơn 100 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ người dân trong xã, xe còn mang tặng người dân các xã bạn Long Khánh A, Thường Lạc, Thường Thới Tiền và huyện Tân Hồng lân cận. Phương châm hoạt động của nhóm là các khoản xăng xe, ăn uống sẽ tự cá nhân bỏ tiền túi hoặc từ kinh phí của hội nông dân chứ không xài vào tiền vận động.
Ấp Long Châu là nơi khởi xướng mô hình, ông Nguyễn Thanh Tú, Bí thư ấp, cho biết hiện nay hai xã trên cù lao chỉ còn một chợ truyền thống còn hoạt động và hai xe bán hàng lưu động. Do đó việc đi chợ mua lương thực, thực phẩm của người dân khá khó khăn. "Xe hàng 0 đồng vừa giải quyết được đầu ra cho nông sản của bà con vừa mang đến những phần hỗ trợ ấm áp nghĩa tình", ông Tú nói.
Ngọc Tài